Tài sản Kinh Bắc vượt 23.500 tỷ đồng, chạm đỉnh 10 năm, tồn kho chiếm gần một nửa

Năm 2020, Kinh Bắc ghi nhận mức lãi ròng hơn 206 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ. Tại thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Kinh Bắc vượt 23.500 tỷ đồng, chạm đỉnh 10 năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh và chiếm gần một nửa tổng tài sản.
Tài sản Kinh Bắc chạm đỉnh 10 năm, vượt 23.500 tỷ đồng, tồn kho chiếm gần một nửa  - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh năm 2020 của Kinh Bắc. Đvt: Tỷ đồng. (Nguồn: Hoàng Huy tổng hợp).

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu thuần trong quý đạt hơn 1.224 tỷ đồng, tăng hơn 69% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong cơ cấu doanh thu của Kinh Bắc, chiếm chủ yếu là doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản, ngoài ra còn có doanh thu cho thuê kho, nhà xưởng, văn phòng và doanh thu khác.

Doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý của doanh nghiệp tăng mạnh, đạt gần 288 tỷ đồng, trong khi con số này cùng kỳ năm trước là 25,5 tỷ đồng. Phần lớn trong danh mục này là lãi từ chuyển nhượng cổ phần và lãi tiền gửi/cho vay.

Song, giá vốn hàng bán cùng với các chi phí đều đồng loạt tăng mạnh nên lãi sau thuế quý IV của Kinh Bắc chỉ đạt gần 201 tỷ đồng, giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế cả năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần 2.154 tỷ đồng, giảm 35% và lãi ròng đạt 206 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019.

Năm 2020, Kinh Bắc đặt mục tiêu doanh thu 3.200 - 3.600 tỷ đồng, lãi sau thuế 816 - 1.000 tỷ đồng. Như vậy, các chỉ tiêu trong năm của doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.

Tài sản chạm đỉnh 10 năm, tồn kho chiếm gần một nửa

Tài sản Kinh Bắc vượt mức 23.500 tỷ đồng, cao nhất trong 10 năm - Ảnh 2.

Quy mô tài sản của Kinh Bắc trong 10 năm qua. (Nguồn: Hoàng Huy tổng hợp).

Tại thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Kinh Bắc ghi nhận 23.571 tỷ đồng, mức cao nhất trong 10 năm qua. Con số này tăng hơn 43% so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, hàng tồn kho tính của doanh nghiệp chiếm gần một nửa tài sản, tương đương 11.303 tỷ đồng, tăng gần 50% so với đầu kỳ. Đây cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc trong năm 2020 âm hơn 3.141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 1.539 tỷ đồng.

Phần lớn giá trị tồn kho tập trung tại các dự án KCN và KĐT Tràng Cát (7.012 tỷ đồng); KCN Tân Phú Trung (1.401 tỷ đồng); KĐT Phúc Ninh (1.065 tỷ đồng); KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (777 tỷ đồng) và KĐT Tràng Duệ (640 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, danh mục chứng khoán kinh doanh của Kinh Bắc tăng từ 7 tỷ đồng lên 1.857 tỷ đồng, bao gồm đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và các khoản đầu tư khác. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 22% lên mức 6.675 tỷ đồng.

Danh mục chi phí xây dựng dài hạn dở dang của doanh nghiệp là 869 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm, tập trung chủ yếu tại hai dự án Viễn Đông Meridian Towers (714 tỷ đồng) và khu ngoại giao đoàn Hà Nội (107 tỷ đồng).

Đến cuối kỳ, nợ phải trả của doanh nghiệp là 12.940 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn tăng từ 1.222 tỷ đồng lên 4.218 tỷ đồng, bao gồm vay dài hạn ngân hàng (3.071 tỷ đồng) và phát hành trái phiếu (1.051 tỷ đồng). 

Theo thống kế của Chứng khoán SSI, tính đến hết năm 2019, Kinh Bắc đã tạo lập quỹ đất KCN khoảng 5.278 ha (chiếm gần 5,5% diện tích đất KCN trên cả nước) và 939 ha đất khu đô thị. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ phát triển thêm 238 ha trong năm 2021.

SSI dự báo, cùng với dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh, các dự án KĐT Phúc Ninh và Tràng Duệ cũng sẽ ghi nhận doanh số bán đất cho Kinh Bắc từ năm nay.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.