Tại sao loạt thương hiệu tên tuổi như Sabeco, BigC, Metro liên tiếp về tay các tỷ phú Thái Lan?

Các tỷ phú Thái Lan đang sở hữu loạt doanh nghiệp trong ngành sản xuất, bán lẻ đến hàng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Trong đó nổi lên những tập đoàn lớn như Central Group, TCC Holdings, SCG… liên tục thực hiện các vụ mua bán, sáp nhập quy mô lớn.

Các tỷ phú xứ chùa Vàng thâu tóm loạt thương hiệu lớn tại Việt Nam

Mới đây, Thai Containers Group, thuộc Tập đoàn Siam Cement (SCG) của tỷ phú Suchai Korprasertsri đã thông báo sẽ mua lại hơn 94% cổ phần của CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI), từ 15/12 đến 31/12.

Với tỷ lệ này, SCG sẽ nắm toàn quyền quyết định ở SVI và không có cổ đông nào có thể phủ quyết các quyết định của tập đoàn Thái Lan. Bao bì Biên Hòa tiền thân là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại Việt Nam, thành lập năm 1968. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp là 128 tỷ đồng

Trước đó, SCG cũng hoàn tất nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) lên trên 50%.

Hồi tháng 12/2017, Thai Beverage (Thái Lan) chính thức mua CTCP Nước giải khát Sài Gòn Sabeco với giá 4,8 tỷ USD, tỷ lệ cổ phần ban đầu là 53,59%. Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ hai Thái Lan là người đứng sau thương vụ này.

Tại sao loạt thương hiệu tên tuổi như Sabeco, BigC, Metro liên tiếp về tay các tỷ phú Thái Lan? - Ảnh 1.

Ông chủ đằng sau loạt thương vụ M&A đình đám tại Việt Nam, tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. (Ảnh: The Wall Street Journal).

Ông cũng là người thông qua TCC Holdings mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) với giá gần 900 triệu USD hồi năm 2015. 

Ngoài ra, Tập đoàn Central Group của gia tộc tỷ phú Thái Chirathivat trở thành chủ sở hữu hệ thống siêu thị BigC sau khi chi 1,14 tỷ USD mua lại từ đối tác châu Âu. Tập đoàn này cũng từng chi đến 2.600 tỷ đồng để thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim…

Không ồn ào với các thương vụ M&A, tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont với khối tài sản 15,6 tỷ USD đã xây dựng nên C.P Group Việt Nam – công ty con của C.P Group Thái Lan, hiện là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất nước.

Theo Zing, công ty này đứng 18/500 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, và lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.

C.P Group Việt Nam hiện nắm 32% thị phần mặt hàng thịt gà và 20% đối với mặt hàng xúc xích tại Việt Nam.

Tại sao các thương hiệu Việt liên tục về tay người Thái?

Thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn chứng kiến làn sóng gia tăng các vụ sáp nhập và mua lại từ doanh nghiệp Thái Lan. 

Ông Đinh Quang Hoàn, Phó Tổng giám đốc công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị thực hiện nhiều thương vụ M&A lý giải với Forbes Việt Nam, rằng chính phủ Thái Lan có những chính sách khuyến khích các tập đoàn tư nhân lớn tìm kiếm cơ hội ở thị trường các nước ASEAN, với quy mô dân số gấp 10 lần Thái Lan.

Ngoài lý do thị trường, Thái Lan không còn nhiều dư địa tăng trưởng, do sân chơi nội địa đã trở nên bó hẹp lại với các tập đoàn tư nhân có lịch sử phát triển hàng trăm năm, các tập đoàn cần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh khi quốc gia này luôn tiềm ẩn các bất ổn chính trị.

Tại sao loạt thương hiệu tên tuổi như Sabeco, BigC, Metro,... liên tiếp về tay các tỷ phú Thái Lan? - Ảnh 2.

Bên trong nhà máy của SOVI, doanh nghiệp vừa về tay Siam Cement (SCG) tại Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: SVI).

Hơn thế, Thái Lan có lợi thế gần với Việt Nam. Người Thái rất hiểu người Việt Nam, hiểu được tập quán tiêu dùng của người Việt. Với chất lượng tốt, giá thành rẻ, chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng giúp hàng hóa Thái Lan nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan dành nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp từ rút gọn các thủ tục đầu tư ra nước ngoài đến việc sẵn sàng bảo lãnh, hỗ trợ tín dụng cho các tập đoàn tư nhân hùng mạnh.

Đơn cử trong thương vụ ThaiBev mua lại Sabeco, tập đoàn đã vay khoảng 100 tỷ baht, tương đương 3,05 tỷ USD từ 5 ngân hàng của Thái Lan. Phần còn lại, Beerco, công ty thành viên của ThaiBev vay 1,95 tỷ USD tại ngân hàng Mizuho và Standard Chartered chi nhánh Singapore trả cho chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Thái Lan đổ bộ vào thị trường Việt cũng tạo ra sức ép không nhỏ với hàng hóa nội địa và một số quốc gia khác. Sự thâm nhập mạnh mẽ, nhanh chóng và liên tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Thái Lan nói riêng là xu hướng tất yếu của quá trình nước ta hội nhập, kêu gọi đầu tư.

Do đó, để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà, các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng. 

“Các doanh nghiệp Việt hiện đang còn làm ăn đơn lẻ. Trong khi người Thái họ liên kết kinh doanh theo chuỗi, nhằm cung ứng đầy đủ các khía cạnh của một dịch vụ, sản phẩm. Để không bị rơi vào tình huống từ làm chủ, chuyển sang lệ thuộc, doanh nghiệp Việt cần phải chủ động hợp tác liên kết, đổi mới sản xuất", chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân chia sẻ với báo Ngày nay, nhằm giúp hàng hóa Việt Nam vẫn giữ vững vị thế trên thị trường nội địa.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.