Thai Beverage và Bia Sài Gòn (Sabeco)
Tháng 12/2017, Thai Beverage (Thái Lan) chính thức mua CTCP Nước giải khát Sài Gòn Sabeco với tỉ lệ cổ phần ban đầu là 53,59%.
Thương vụ M&A trị giá 4,8 tỉ USD - lớn nhất tính đến thời điểm đó của ngành bia châu Á, cũng là thương vụ dẫn đầu về giá trị trong làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên bán thành công rực rỡ khi mức giá sang tên gấp 44 lần thu nhập. Forbes Việt Nam nhận định, với hiện trạng tài chính Sabeco lúc ấy tới năm 2062 người mua mới hòa vốn. Năm 2019, ThaiBev đạt doanh thu 8,9 tỉ USD.
ThaiBev là trường hợp tiêu biểu cho làn sóng nhà đầu tư Thái Lan mua doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2016.
Theo Tạp chí Tài chính, vụ hợp nhất trị giá ba tỉ USD giữa Vingroup và Masan vào tháng 12/2019 nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và qui mô hàng đầu Việt Nam.
Cụ thể, VinCommerce, VinEco và Masan sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Theo thông tin công bố, VinCommerce có vốn điều lệ 6.436 tỉ đồng, VinEco ở mức 2.000 tỉ đồng.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ cùng hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco.
Tháng 4/2018, GIC Singapore đầu tư tổng cộng 1,3 tỉ USD (tương đương 29.500 tỉ đồng) dưới hai hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn của thương vụ này.
Vinhomes là công ty con phụ trách mảng phát triển bất động sản nhà ở của Vingroup. Công ty có vốn điều lệ 26.377 tỉ đồng và đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HOSE vào đầu tháng 4.
GIC được biết đến là một trong các tổ chức quản lí quĩ đầu tư lớn nhất trên thế giới với hơn 1.600 nhân viên và quản lí số tài sản trên 359 tỉ USD trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán tới địa ốc và tài nguyên thiên nhiên.
GIC hiện đang nắm cổ phần tại các công ty Việt Nam như MSN, VJC, PAN, FPT hay Vinasun...
Quí II/2016, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan - Central Group đã chính thức mua lại Big C Việt Nam với giá hơn 1,14 tỉ USD. Song song, Tập đoàn này kiểm soát cũng rót hơn 140 triệu USD kiểm soát chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Thời điểm đó, Big C Việt Nam có 43 siêu thị và 30 trung tâm mua sắm. Doanh thu năm 2015 là 586 triệu euro, tương đương khoảng 665 triệu USD.
Thông tin từ Zing cho biết, sau khi sở hữu Big C, Central Group công bố kế hoạch đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam, nâng gấp đôi số siêu thị, trung tâm thương mại trong vòng 5 năm tới (đến 2021).
Trong vòng một năm đầu tiên về tay người Thái, một số doanh nghiệp trong hệ thống Big C Việt Nam ghi nhận doanh thu tụt giảm hoặc đi ngang. Bước vào giai đoạn 2018 - 2019, tình hình kinh doanh của Big C có dấu hiệu khởi sắc hơn.
Báo cáo tài chính năm 2019 của Central Retail (đơn vị chủ quản Big C Việt Nam) cho thấy chuỗi này gần 20.454 tỉ đồng cho công ty mẹ, tăng 10% so với năm 2018.
Đến hết năm 2019, Big C chiếm 3,5% thị phần và là chuỗi siêu thị, đại siêu thị lớn thứ hai tại Việt Nam.
Ngày 24/5/2019, Tập đoàn SK của Hàn Quốc đã rót một tỉ USD để sở hữu 250 triệu cổ phiếu của Vingroup. Mức giá trung bình là 113.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị đợt phát hành ở mức hơn 14.437 tỉ đồng. Trừ chi phí 372 tỉ đồng, VIC đã thu về hơn 17.065 tỉ đồng.
Kết thúc giao dịch này, vốn điều lệ của VinGroup tăng lên 33.459 tỉ đồng và Tập đoàn SK cũng là cổ đông nước ngoài lớn nhất nắm giữ 6,15% vốn điều lệ.
Forbes Việt Nam nhận định, SK Group là một trong 10 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc có ba công ty thành viên nằm trong danh sách Global 2000, gồm SK Hynix, công ty sản xuất bán dẫn và chíp máy tính (vị trí 269); SK Holdings, công ty cung cấp các dịch vụ công nghệ cao (549) và SK Telecom, nhà mạng viễn thông (615).
Tập đoàn SK có hoạt động kinh doanh tại hơn 40 nước trên thế giới với doanh thu 132 tỉ USD và tổng tài sản đạt 184 tỉ USD tính đến năm 2018.
Dựa vào thống kê của MFA Research, xét về qui mô, thị trường M&A Việt Nam vẫn chủ yếu diễn ra các giao dịch nhỏ, với các vụ mua bán 5 - 6 triệu USD chiếm trên 90%.
Theo báo Chính phủ, riêng tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỉ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Do sự tác động của Covid-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỉ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Tuy nhiên, thị trường kì vọng có sự trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới hậu Covid-19, với thương vụ M&A hiệu quả cao, qui mô lớn hơn.
Thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỉ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỉ USD vào năm 2022.