Siêu thị mini, thanh toán không chạm, sáp nhập doanh nghiệp - những ‘ngọn cờ đầu’ ngành bán lẻ hiện tại

Bán hàng đa kênh, M&A, thanh toán không chạm, tăng cường ứng dụng công nghệ và phát triển các mô hình siêu thị mini là 5 xu thế chủ đạo của ngành bán lẻ Việt.

Báo cáo mới đây của Vietnam Report cho thấy trong quí II, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đóng cửa đã tăng 21% so với cùng kì năm trước. Dẫu vậy, những tín hiệu tích cực vẫn xuất hiện ở các lĩnh vực thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng.

Vietnam Report cũng chỉ ra 5 xu hướng chủ đạo của ngành bán lẻ trong tương lai.

Đầu tiên, các doanh nghiệp bán lẻ triển khai bán hàng đa kênh (Omnichannel), tích hợp từ trực tuyến đến trực tiếp.

Kênh mua sắm của người tiêu dùng có dấu hiệu dịch chuyển ở cả hai nhóm mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu. Với nhóm thiết yếu, 3 kênh bán hàng phổ biến nhất ở thời điểm trước đây là chợ truyền thống (73,5% người tiêu dùng sử dụng); trung tâm thương mại, siêu thị (71,6%) và cửa hàng tiện lợi (50,9). 

5 xu thế của ngành bán lẻ Việt Nam  - Ảnh 1.

Số liệu: Vietnam Report. Đồ họa: Lê Quý.

Tuy nhiên, khảo sát gần đây chỉ ra 3 kênh mà người tiêu dùng lựa chọn mua nhu yếu phẩm là cửa hàng online (59,8%); cửa hàng tiện lợi (54,9%) và trung tâm thương mại, siêu thị (50,9%).

Với nhóm không phải nhu yếu phẩm, việc đến tận cửa hàng để mua sắm cũng giảm đáng kể trong tầng lớp người tiêu dùng. Các kênh trực tuyến đều tăng trưởng mạnh, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử.

Xu hướng thứ hai là mua bán, sáp nhập (M&A). Trên thực tế, 2019 là  năm mà số lượng các vụ M&A đạt kỉ lục, bao gồm thương vụ Saigon Co.op tiếp nhận 18 cửa hàng của chuỗi Auchan, hay Vingroup chuyển nhượng Vincommerce cho Tập đoàn Masan.

Các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, hệ thống có sẵn và kinh nghiệm. Tuy nhiên các doanh nghiệp nội cũng có lợi thế về am hiểu thị trường. Việc Auchan phải rút lui khỏi Việt Nam và vẫn chưa giải quyết xong vụ việc 108 tỉ đồng với bên cho thuê mặt bằng là ví dụ cho thấy các lợi thế của công ty nước ngoài dù lớn nhưng không đảm bảo thành công tại Việt Nam.

"Hoạt động M&A giúp cả hai bên tham gia đều có lợi, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chóng sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ và lượng khách hàng của các doanh nghiệp trong nước. Thực tế ấy hứa hẹn M&A trong lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới", báo cáo viết.

Ngoài ra, công nghệ không chạm cũng sẽ là một điểm nhấn của ngành bán lẻ trong tương lai. Người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng tiền mặt, nhưng xu thế ấy đang dần thay đổi. 

60,6% người tiêu dùng có xu hướng giảm sử dụng tiền mặt trong một khảo sát gần đây. Ở chiều ngược lại, 59,6% người dùng dần sử dụng internet banking nhiều hơn và con số này của ví điện tử là 57,7%.

Trong tương lai, xu thế thanh toán không chạm sẽ ngày một được chú trọng hơn.

Các thương hiệu bán lẻ cũng không nên bỏ qua việc tăng cường ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Các công nghệ như thế sẽ giúp doanh nghiệp quản trị dữ liệu khách hàng một cách tốt hơn. Phân tích hành vi người tiêu dùng trước khi mua sắm cho thấy 56,9% người được hỏi tự chủ động nghiên cứu; 20,6% nghe tư vấn từ người thân; 13,7% từ chương trình khuyến mại, quảng cáo trực tuyến và 5,9% khi nghe ai đó giới thiệu trên mạng xã hội.

5 xu thế của ngành bán lẻ Việt Nam  - Ảnh 2.

Đồ họa: Vietnam Report.

Thẻ tích điểm và khách hàng thân thiết là một trong số các chính sách mà các nhà bán lẻ cung cấp. Trong các phân khúc, siêu thị đang dẫn đầu về tỉ lệ khách hàng làm thẻ tích điểm, vượt lên trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và siêu thị điện máy, theo một nghiên cứu thị trường của Qandme.

Phát triển siêu thị mini cũng là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành bán lẻ Việt Nam. 

48% người được hỏi lựa chọn một cửa hàng hay siêu thị vì vị trí thuận lợi, và các siêu thị mini đáp ứng được nhu cầu này cho người mua, lại tối ưu hóa chi phí với qui mô khoảng 50 - 200 mét vuông, được quản lí từ 2 đến 3 nhân viên. Rõ ràng nhu cầu người dân vẫn đang rất lớn trong cùng phân khúc.

6 tháng đầu năm nay, lượng siêu thị mini ở khu vực đô thị cấp 2 và cấp 3 tăng trưởng rất nhanh, nhưng dư địa vẫn còn nhiều. Các kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ trong khi các cửa hàng tiện lợi chưa đến 10% toàn thị trường.

chọn
Đất Xanh: Gem Riverside đã xong pháp lý và sắp mở bán
Đại diện Đất Xanh cho biết dự án Gem Riverside đã cơ bản hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng từ quý III/2024.