Theo thông tin từ Uỷ ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), CMSC đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) về các số nội dung liên quan đến đề án tái cơ cấu đến năm 2025, tiến độ quyết toán cổ phần hóa, công tác thoái vốn và tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Báo cáo tại buổi làm việc ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng giám đốc GVR cho biết đề án tái cơ cấu tập đoàn đến năm 2025 xác định cơ cấu lại tỉ trọng ngành nghề kinh doanh.
Theo đó, GVR sẽ giảm diện tích cao su, duy trì ổn định khoảng từ 300.000 - 320.000 ha vào năm 2025 (trong nước 185.000 - 200.000 ha, nước ngoài khoảng 115.000 ha), nhưng vẫn bảo đảm sản lượng khai thác trên 400.000 tấn (tăng 30% so với hiện nay).
Do thực trạng cung cầu và giá bán khó có khả năng cải thiện trong những năm tới, hiệu quả cây cao su khá thấp nếu so với cây ăn quả (doanh thu khoảng 400 triệu đồng, lợi nhuận tối thiểu 50 triệu đồng/ha/năm) hoặc phát triển khu công nghiệp (lợi nhuận khoảng 3 tỉ đồng/ha). Vì vậy, GVR dự kiến kế hoạch chuyển đổi cây trồng khoảng 40.000 ha, chuyển mục đích sử dụng đất 40.000 ha (trong đó phát triển khu công nghiệp đến 2025 khoảng 15.000 ha).
Cùng với đó, tập đoàn dự kiến tăng qui mô ngành công nghiệp cao su qua xem xét việc tham gia đầu tư vào các nhà máy sản xuất săm, lốp xe theo hình thức mua bán, sáp nhập (M&A) của các công ty đã có thương hiệu đang hoạt động tại Việt Nam của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Các thương hiệu này nếu thuộc GVR sẽ giúp khép kín chuỗi giá trị sản phẩm cao su và là nòng cốt để tiếp tục phát triển sản phẩm săm, lốp của tập đoàn trong tương lai.
Bên cạnh đó, GVR cũng thực hiện sáp nhập một số đơn vị thành viên, nhằm giải quyết các doanh nghiệp qui mô nhỏ, hiệu quả kém; được thực hiện theo hình thức sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ vào doanh nghiệp lớn, hoặc các doanh nghiệp nhỏ sáp nhập vào nhau để có qui mô phù hợp để giảm đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động.
Đối với doanh nghiệp bị sáp nhập chỉ hoạt động theo hình thức là nông trường/tổ sản xuất để cắt giảm chi phí gián tiếp nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí hoạt động. Trường hợp đặc biệt mới hoạt động là chi nhánh của công ty nhận sáp nhập.
Về thoái vốn, GVR xác định sẽ thoái vốn ở các đơn vị có tập đoàn và công ty thành viên cùng là cổ đông nhằm bảo đảm quy định của Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp.
Hình thức thoái vốn thông qua bán cổ phần rộng rãi và việc thoái vốn giúp thu hồi vốn sớm, cân đối nguồn vốn đầu tư cho việc tái cơ cấu nguồn vốn, đầu tư vào những dự án có hiệu quả cao.
Về thoái vốn tại 5 công ty thủy điện, ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đề nghị tập đoàn xử lí dứt điểm, không để thất thoát vốn nhà nước.
Với kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, tập đoàn xây dựng kế hoạch có tăng trưởng so với năm 2019, trình Ủy ban thỏa thuận và ĐHĐCĐ đã thông qua. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh.
Giãn cách xã hội trong thời gian dài nên các công ty không thể tổ chức sản xuất dẫn tới sản lượng khai thác mủ cao su giảm so với cùng kì, giá bán mủ cao su; giá gỗ củi cao su thanh lí cũng giảm khá nhiều so với cùng kì năm trước.
Ông Nguyễn Quế Dương - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Nông nghiệp đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, so với kế hoạch chỉ đạt 60-70%, nếu không có nguồn tài chính bổ sung thì chỉ tiêu về cổ tức, lợi nhuận nhiều khả năng sẽ khó đạt được.
Khó khăn của Tập đoàn hiện nay là vấn đề giải phóng nguồn lực đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng sang khu công nghiệp trong đề án tái cơ cấu chủ yếu liên quan tới Nghị quyết 60 của Quốc hội và Luật Đất đai nên Ủy ban sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ cho tập đoàn.