Tàu Shen Neng 1 bị mắc cạn tháng 4/2010. Ảnh: 1millionwomen. |
Theo ABC News, 35 triệu USD sẽ chi trả cho chi phí làm sạch vùng biển bị ô nhiễm. 4,3 triệu USD còn lại dành cho những phí tổn của chính phủ trong phản ứng giải quyết hậu quả sự cố tàu mắc cạn. Thỏa thuận trên thấp hơn 1/3 so với mức ban đầu mà Australia yêu cầu chủ tàu Công ty năng lượng vận tải Thâm Quyến phải bồi thường để khắc phục sự cố. Trước đó, chính quyền liên bang dự kiến đưa ra mức phạt 120 triệu USD để khắc phục hậu quả sau khi tàu chở than của tập đoàn này mắc cạn và gây ô nhiễm rạn sa hô Great Barrier Reef.
Bộ trưởng bộ Môi trường liên bang Australia Josh Frydenberg cho biết các hoạt động làm sạch sẽ được tiến hành vào giữa năm sau.
"Công viên biển Great Barrier có thể bắt đầu hoạt động loại bỏ chất độc và sơn chống bẩn, tạo điều kiện cho quá trình phục hồi sinh thái tự nhiên của rặng san hô", ông nói.
Tuy không hài lòng vì phải mất tới 6 năm để đạt được thỏa thuận trên, Russel Reichelt, quản lý công viên biển Great Barrier, cho biết khoản bồi thường cũng là tin mừng cho sự phục hồi của hệ sinh thái ở rặng san hô.
"Kể từ sau vụ mắc cạn, chúng tôi đã liên tục đòi hỏi khắc phục hậu quả nhằm tạo điều kiện cho sự phục hồi tự nhiên của san hô trong khu vực", Reichelt nhấn mạnh.
London P&I Club, công ty bảo hiểm cho tàu Sheng Neng 1, khẳng định thỏa thuận trên đầy đủ và hợp lý, đồng thời cho rằng hầu hết rạn san hô đã phục hồi một cách tự nhiên từ tháng 4/2010. Trong tuyên bố mới đây, ondon P&I Group bày tỏ sự hối tiếc về sự cố Sheng Neng 1 và luôn muốn đạt được những thỏa thuận công bằng và chính đáng.
Tàu Sheng Neng 1 mắc cạn ở khu vực bãi Douglas vào tháng 4/2010, gây ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng dài hơn 4 km và phá hủy rặng san hô tự nhiên khu vực Great Barrier. Khu vực xảy ra sự cố ô nhiễm nghiêm trọng do sơn chống bẩn rơi ra ngoài khi tàu mắc cạn. Những thành phần độc tố cao trong sơn như Tributyltin, một chất được sơn vào thân tàu để chống hàu bám vào, nằm trong danh mục hóa chất bị cấm sử dụng.