Sau khi ông Lee Kun-hee qua đời, mọi người nghĩ ngay đến viễn cảnh con trai duy nhất của ông, Lee Jae-yong, sẽ sớm nhận chức Chủ tịch Samsung Electronics. Tỉ phú 52 tuổi đã thay cha điều hành tập đoàn từ năm 2014, khi người cha phải điều trị bệnh tật sau cơn đau tim.
Tuy nhiên, có lẽ vị Phó Chủ tịch Samsung sẽ không thể đảm nhận ngay chức Chủ tịch do ông sẽ phải đối mặt hai phiên tòa liên quan tới tội danh đưa hối lộ và gian lận kế toán. Nếu tòa án kết luận Lee Jae-yong phạm tội, Samsung sẽ đối mặt viễn cảnh tân Chủ tịch mới nhậm chức đã vào tù.
Trong khi đó, 3 tập đoàn trong nhóm 4 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc đều đã có Chủ tịch.
Hyundai Motor là tập đoàn vừa có tân Chủ tịch vào tuần trước. Chung Euisun đã tiếp quản chức Chủ tịch Huyndai Motor từ người cha.
"Dường như ông Lee Jae-yong nghĩ rằng ông không nên nhận chức Chủ tịch Samsung khi cha còn sống. Do Lee Jae-yong đã thực sự nắm quyền điều hành tập đoàn, có thể ông không quan tâm tới chức Chủ tịch", một nhà điều hành doanh nghiệp ở Hàn Quốc bình luận với Korea Times.
Samsung Electronics liên tục khẳng định họ không đề cập tới khả năng bổ nhiệm Lee Jae-yong làm Chủ tịch. Nhưng sau khi ông Lee Kun-hee qua đời, giới quan sát dự đoán tập đoàn sẽ thảo luận về chức danh của Lee Jae-yong.
Lee Kun-hee trở thành Chủ tịch Samsung chỉ 20 ngày sau khi cha của ông và cũng là nhà sáng lập tập đoàn, Lee Byung-chull, qua đời. Ông mới chỉ 45 tuổi khi kế vị cha.
Viễn cảnh Lee Jae-yong vào tù hay không nhận chức Chủ tịch không phải điều quá đáng sợ với Samsung Electronics. Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc có nhiều vị lãnh đạo đáng kính trọng đang điều hành các hoạt động chủ chốt, còn Jae-yong chỉ ra những quyết định lớn, mang tính chiến lược với tư cách là Phó Chủ tịch.
Rắc rối pháp lí của Lee Jae-yong có thể kéo dài nhiều năm. Tòa án đã quyết định xử lại cáo buộc hối lộ và tham nhũng đối với ông trong năm nay, và có thể họ sẽ ra phán quyết vào đầu năm tới. Quá trình xét xử cáo buộc gian lận kế toán sẽ bắt đầu từ tháng 1 năm tới và có thể kéo dài vài tháng nữa.
"Tôi nghĩ Lee Jae-yong sẽ nhận chức Chủ tịch vào đầu năm tới. Có thể ông ấy sẽ chờ tới khi vụ xét xử tội danh đưa hối lộ kết thúc", Lee Sang-hun, nhà phân tích của công ty HI Investment & Securities, nhận định.
Thời điểm Lee Jae-yong chính thức trở thành Chủ tịch Samsung Electronics là yếu tố nhạy cảm trong bối cảnh mức độ bất mãn với các tập đoàn quyền lực nhất của công chúng Hàn Quốc đang tăng từ vài năm qua. Phản ứng tiêu cực của họ xuất phát một phần từ những cáo buộc hối lộ đối với Lee Jae-yong. Những cáo buộc ấy đã dẫn tới việc Quốc hội Hàn Quốc luận tội rồi phế truất Tổng thống Park Geun-hye.
Yếu tố nữa cản trở quá trình kế vị là khoản thuế thừa kế lên tới gần 10 tỉ USD mà gia tộc Lee sẽ phải nộp để nhận tài sản có trị giá 20,7 tỉ USD của Chủ tịch Lee Kun-hee.
Đa số gia đình doanh nhân nộp thuế thừa kế bằng tiền mặt chứ không bán cổ phiếu vì họ muốn duy trì sự kiểm soát đối với doanh nghiệp, theo Chung Sun-sup, giám đốc điều hành công ty phân tích doanh nghiệp Chaebul. Luật cho phép họ nộp thuế trong 5 năm.