Ông Lee Kun-hee, người biến đổi Samsung Electronics từ một nhà sản xuất đồ gia dụng Hàn Quốc thành tập đoàn lớn nhất thế giới về điện thoại di động, tivi và chip nhớ, đã qua đời hôm 25/10, hưởng thọ 78 tuổi.
Gia đình sẽ tổ chức một tang lễ riêng tư cho Lee và họ không công bố nguyên nhân khiến ông qua đời. Lee từng phẫu thuật vào năm 2014 sau một cơn đau tim và điều trị ung thư phổi trong những năm cuối thập niên 90.
Bloomberg từng ước tính giá trị tài sản của Lee đạt 20,7 tỉ USD. Với con số ấy, ông là người giàu nhất Hàn Quốc. Tổng giá trị cổ phiếu của ông đạt 16,1 tỉ USD vào ngày 25/10.
Con trai duy nhất của ông, Lee Jae-yong, điều hành Samsung từ khi ông hứng chịu cơn đau tim vào năm 2014. Jae-yong sẽ thừa hưởng đế chế kinh doanh trị giá 300 tỉ USD.
Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới về thị phần, cũng cung cấp linh kiện bán dẫn cho các trung tâm dữ liệu của Google và điện thoại iPhone của Apple. Họ là nhà sản xuất màn hình tiên tiến nhất cho tivi, máy tính và thiết bị di động.
Hiện tại, Lee Jae-yong đang đối mặt với các công tố viên Hàn Quốc trong hai vụ án hình sự đồng thời. Các công tố viên cáo buộc ông đưa hối lộ và tham nhũng, song ông phủ nhận mọi cáo buộc.
Những người thừa kế tài sản của Lee Kun-hee, bao gồm người vợ và 3 con, sẽ phải nộp khoản thuế lên tới gần 10 tỉ USD (bao gồm hơn 8,86 tỉ USD để thừa kế số cổ phiếu có trị giá hơn 16 tỉ USD).
Japan Times nhận định, rất có thể gia đình họ Lee sẽ phải bán bớt tài sản để trả thuế. Bằng cách đó, tỉ lệ cổ phần của họ trong Samsung sẽ giảm.
Luật Hàn Quốc qui định mức thuế thừa kế tới hơn 50% đối với tài sản có trị giá trên 3 tỉ won (2,6 triệu USD). Đây là mức thuế thừa kế cao thứ hai trong nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ sau Nhật Bản.
Tập đoàn Samsung bao gồm 62 công ty. Mặc dù Chủ tịch Lee Kun-hee sở hữu cổ phần lớn trong một số công ty - như 4,2% cổ phần Samsung Electronics, các tỉ lệ ấy không đủ lớn để ông có thể kiểm soát hoàn toàn các công ty.
Gia tộc Lee phải dựa vào các mối quan hệ không chính thức với các nhà điều hành trong những công ty con để kiểm soát chúng. Tuy nhiên, thứ quyền lực mềm ấy có thể giảm bởi cái chết của vị Chủ tịch.
Giới doanh nghiệp Hàn Quốc vốn nổi tiếng với hệ thống cổ phần được sở hữu chéo phức tạp cùng các nghi thức văn hóa vô cùng đặc biệt. Samsung chiếm vị trí đầu bảng không chỉ nhờ thành công lớn, mà còn bởi sự bí ẩn bao quanh gia tộc họ Lee, theo nhận định của The Economist.
Từ một cửa hàng rau và cá khô hoạt động vào năm 1938 tại tỉnh Daegu, đến nay Samsung đã phát triển thành tập đoàn chiếm đến 1/5 tỉ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc.
Mark Newman, một cựu nhân viên của Samsung Electronics, tiết lộ rằng những nhân sự cấp cao tại đây luôn luôn tin tưởng vào gia đình sáng lập tập đoàn trong mọi hoàn cảnh.
Nếu các nhà điều hành trong những công ty phương Tây mất hàng tuần để tranh cãi về cách phân chia nguồn vốn, nơi đầu tư hay mở một lĩnh vực mới, bộ máy lãnh đạo Samsung thường quyết định mọi chiến lược táo bạo - như cổng thanh toán, xe hơi hay pin năng lượng mặt trời - chỉ trong thời gian ngắn.
Ngoài tất cả các điểm mạnh hiện có, Samsung đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn. Đầu tiên là sản xuất các linh kiện và màn hình đẹp nhất thế giới nếu không muốn mãi mãi đứng ở vị trí thứ hai.
Khi doanh số smartphone đạt đỉnh, Apple nhanh chóng cung cấp các thiết bị và phụ kiện như đồng hồ đeo tay và tai nghe không dây. Họ đã thực hiện cú vượt mặt ngoạn mục trước Samsung.
Thay vì phát triển hệ điều hành riêng để cạnh tranh với Apple, Samsung sử dụng Google ED Android để tập trung vào sản xuất chip, bộ nhớ và dược phẩm sinh học. Để thành công trong ngành dịch vụ, đặc biệt là trong kỷ nguyên Internet, họ cần phát triển những kĩ năng sáng tạo mới chưa từng xuất hiện trước đây.
Thách thức thứ hai là Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thay đổi cả thị trường và đối thủ cạnh tranh. Trong năm 2019, Samsung phải ngừng sản xuất smartphone tại Trung Quốc sau khi thị phần tiếp tục giảm thêm ở mức 2 con số, còn dưới 1%.
Các công ty lớn của Trung Quốc vốn sẵn có tiền mặt và đang tập trung dài hạn để tự sản xuất chất bán dẫn. Các công ty điện thoại như Xiaomi ngày càng tỏ ra xuất sắc trong lĩnh vực phần mềm và ứng dụng.
Là một trong những tập đoàn hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng toàn cầu hóa, Samsung có thể tìm thấymột chút an ủi từ triển vọng kinh doanh tại phương Tây nếu chiến tranh lạnh công nghệ trở nên tồi tệ hơn.
Dù đã có khoản đầu tư 81 tỉ USD tiền mặt (nhiều hơn giá trị thị trường hiện nay của Sony), tương lai của Samsung Electronics không mấy sáng sủa. Trong bối cảnh gia tộc Lee đang vướng phải nhiều bê bối về cả truyền thông và pháp lí, họ không thể đưa ra các chiến lược lớn đầy rủi ro hoặc cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, họ vẫn còn một số giải pháp. Như hầu hết các chaebol khổng lồ khác, cuối cùng Samsung sẽ phải đặt niềm tin vào các nhà quản lí chuyên nghiệp thay vì gia tộc sáng lập. Hiện nay có thể là thời điểm tốt nhất để bắt đầu và để chắc chắn, việc đầu tiên mà họ cần thực hiện, theo Economist, là bỏ tư duy cũ suốt 2 thập kỉ qua.