Ngôi làng "nhiều không" chỉ cách trung tâm huyện vài km. (Ảnh: Trang Anh). |
Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) vài km, nhưng làng Suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) lại nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng mía bạt ngàn.
Từ đầu xã, phải khó khăn lắm chúng tôi mới vượt qua được con đường cát lún gần hết nửa bánh xe để vào được làng. Những đoạn nào cát nông, có dấu bánh xe thì cả đoàn mới có thể chạy qua. Còn những đoạn cát dày, mọi người phải dừng xe đi đẩy bộ vượt “hàng rào” cát.
Chúng tôi đến làng cũng là lúc xế chiều, những đứa trẻ đang nghịch cát ngoài sân nhà, ở những mái nhà lụp xụp là khói bếp nghi ngút. Nằm giữa trung tâm của làng Suối Cạn, đập vào mắt chúng tôi là một căn nhà làm bằng tôn đã mục nát, khoảng chừng vài mét vuông, bên trong là một cậu bé chừng 10 tuổi đang lúi húi quạt bếp cho đỏ lửa.
Thấy có người lạ vào làng, cậu bé tung cửa sổ, phóng xuống nền đất với độ cao tầm 1 m bỏ chạy. Sau khi nép mình sau một căn nhà gỗ “không cửa” đã cũ, cậu bé hướng ánh mắt lạ lẫm về phía chúng tôi.
Ngôi nhà bằng tôn vỏn vẹn vài mét vuông. (Ảnh: Trang Anh). |
Sau khi hỏi thăm dân làng, chúng tôi tìm đến nhà già Siu Noan (SN 1964) - một người biết chữ trong làng để tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây.
Với gương mặt đen nhẻm, chi chít nếp nhăn, già ngược dòng thời gian kể về những năm 1991. Khi đó già cùng mọi người sinh sống ngoài khu vực thị trấn Phú Thiện. Đến một ngày, sau khi chồng bà Siu H'Két mất, nhà không có đất sản xuất nên bà ôm con bỏ thị trấn Phú Thiện khu vực này dựng lều tạm để sinh sống.
Sau đó, những hộ dân khác cũng chuyển vào đây ở nương náu, lúc này bà H’Két thương tình nên cho không hoặc đổi cho mỗi người một khu đất rộng khoảng 4 m, dài 20 m để làm nhà ở.
Thời gian ban đầu chỉ có một vài hộ dân vào sinh sống, dần dần số hộ tăng lên, đến nay con số đó đã lên hơn 30 hộ. Những tưởng khi di cư vào đây cuộc sống của người dân sẽ sang trang mới, tuy nhiên, họ chỉ biết đi làm mì, chặt mía thuê để kiếm tiền lấp đầy chiếc bụng đói.
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn hơn khi cả làng không có điện, không có nước sạch và không có đến cả đường đi… Những trẻ em trong làng chỉ có một vài em được đến trường đi học, còn lại đều tự chơi với nhau ở nhà và không biết đến phố thị đông đúc, nhộn nhịp bị che lấp bởi cánh đồng mía bạt ngàn ngoài kia.
Ngồi cách già Siu Noan không xa là một người phụ nữ nhìn bề ngoài những tưởng đã ngoài 30, nhưng khi được chúng tôi hỏi tên và tuổi của mình chị chỉ biết cười rồi lắc đầu nguầy nguậy: “Mình không biết viết tên của mình, cũng không nhớ là bao nhiêu tuổi cả bởi không được đến trường học con chữ”.
Sau khi nhờ sự trợ giúp của già Siu Noan, chúng tôi mới biết chị là H'ét Rmah (SN 1993) hiện nay đã có 3 người con, trong đó con lớn đã 8 tuổi, con út gần 3 tuổi. Thời gian vừa qua, 2 vợ chồng chị gửi con lại cho mẹ trông coi rồi lên tận Đức Cơ, cách nhà hơn 100km để hái cà phê thuê cho người ta. Thiếu thốn sự quan tâm và gia đình nghèo đói nên 2 người con ở tuổi đến trường của chị cũng học “bữa đực, bữa cái”.
Do già Siu Noan bận, nên ông Siu Thúc (SN 1966) – người thứ 2 biết chữ trong làng dắt chúng tôi đi thăm quan một vòng. Vừa đi, ông vừa trầm ngâm kể về cuộc sống của gia đình mình. Ông nói: “Ngoài kia khó khăn quá, không có đất để sản xuất nên gia đình mình kéo nhau vào đây sinh sống từ năm 2002. Khi đó, mình bỏ một khoản tiền ra mua đất của người quen rồi dựng nhà tạm để ở.
Vào đây, không có đất sản xuất, có chút đất ở nhưng toàn cát nên cũng chả trồng rau được, cả nhà chỉ trồng được mỗi cây ớt ngoài kia. Do đó, ai thuê gì mình đều nhận làm để có cái ăn và nuôi các con khôn lớn.
Thời gian trước mình cũng đi hái cà phê xa, cả tháng mới về nhà một lần nên mấy đứa nhỏ tự chăm sóc lẫn nhau. Giờ cũng có tuổi rồi, con cái cũng đã lớn nên mình ở nhà chăm các cháu, còn các con rủ nhau đi làm”, ông Siu Thúc nói.
Căn nhà của một đại gia đình không có gì giá trị. (Ảnh: Trang Anh). |
Đi ngang qua những ngôi nhà không cửa được chắp vá tứ phía bằng những tấm tôn đã rỉ sét hoặc những tấm ván đã mục, ông Siu Thúc chỉ tay về phía căn nhà nhỏ, xập xệ chỉ rộng chừng 5 mét vuông rồi cho hay, đó là căn nhà của gia đình Siu Thơ (SN 1988) với 7 người cùng nhau sinh sống.
Căn nhà bên trong hổng tếch, chỉ có chiếc bếp đang đỏ than và chiếc chiếu trải xuống nền nhà đã cũ nhàu, đầy bụi bẩn. Do người lớn đi làm hết nên những đứa trẻ ở nhà vẫn đang mai mê nghịch đất ngoài bãi mía.
Tò mò vì những căn nhà không cửa nên chúng tôi mở lời hỏi, lúc này ông Siu Thúc cười lớn rồi bảo: “Cô chú thấy đấy, cả làng có nhà nào có cái gì giá trị đâu mà cần cửa. Trộm có lẻn vào thì cũng chẳng có gì bán lấy tiền được. Bên cạnh đó, khu vực này nóng, không cửa để lấy gió trời đó mà”, ông Siu Thúc thoáng chút buồn nói.
Dừng chân lại tại căn nhà của Heo Choan (SN 1972), ông Siu Thúc cho biết, nhà này chắc nghèo nhất làng vì chẳng có đủ miếng ăn, Heo Choan phải nuôi mẹ già cùng 9 người con nhỏ nên thường xuyên phải vay mượn gạo của bà con hàng xóm.
Anh Heo Choan cho hay, hai vợ chồng anh hàng ngày vẫn đi làm thuê, làm mướn để kiếm hơn 200.000 đồng/ngày. Mặc dù vợ chồng anh muốn các con đi học để biết con chữ nhưng 9 đứa chẳng đứa nào chịu đi.
Người con lớn của anh cũng đã đi làm xa, cả năm mới về một lần. Còn 8 người con còn lại anh để ở nhà để tự lo liệu cho nhau và chăm sóc người bà đã ngoài 80 không còn khả năng đi lại.
Bên trong căn nhà món đồ giá trị nhất có lẽ là chiếc giường mà người bà ngoài 80 đang nằm nghỉ. Phía dưới nền nhà và chiếc chiếu đã rách tươm với vài mảnh vải lớn dùng làm chăn. Chiếc màn bám đầy bụi bẩn cũng chưa được gấp gọn gàng mà trở thành chỗ “trú ẩn” cho những đứa trẻ con Heo Choan khi thấy người lạ.
Rmar Hteo thổi lửa nấu cơm cho cả nhà. (Ảnh: Trang Anh). |
Phía sau nhà, Rmar Hteo (9 tuổi – con thứ 5 trong nhà) đang cặm cụi thổi lửa nấu cơm. Mặc dù nhà hơn 10 người, nhưng nồi cơm chỉ nhỏ bằng những hộ gia đình có 3 - 4 người.
Khi chúng tôi hỏi, tối nay Rmar Hteo “đãi” cả nhà món gì thì cháu bé chỉ biết cười rồi cúi gằm mặt xuống đất thỏ thẻ nói: “Nhà cháu chỉ còn ít gạo nấu cơm thôi, tí cháu đi kiếm ít rau dại hoặc qua xin các bác, các cô chú hàng xóm ít rau về nấu canh húp tạm cho no bụng.”, Rmar Hteo ngại ngùng nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã Ia Sol cho biết, làng Suối Cạn là khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp. Trước đây người dân chủ yếu sinh sống ngoài thị trấn Phú Thiện, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên sau di cư vào khu vực này để sinh sống và canh tác. Theo vị chủ tịch, hàng năm, vào những ngày lễ tết, chính quyền cũng hỗ trợ gạo cho bà con ở Suối Cạn. Bên cạnh đó do có một số chương trình của tỉnh hỗ trợ phân bón nhưng vì không có đất sản xuất nên nhiều người dân lấy phân bón quy đổi qua gạo. Đồng thời, một số chính sách được chính quyền áp dụng như hỗ trợ nuôi bò, cho vay vốn phát triển kinh tế. Ông Quyến còn cho hay, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền và vận động gia đình cho con em đến trường học con chữ. Tuy nhiên, ở đây người dân còn nghèo chủ yếu là dân tộc thiểu số, nhận thức còn nhiều hạn chế. “Huyện cũng đã có chủ trương sắp xếp vận động bà con di dời ra bên ngoài, đảm bảo để người dân được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi”, ông Quyến nói. |
Vụ đi gần 10km thu 600 nghìn đồng: Gia đình tài xế xe ôm rất khó khăn, có em đang đi học
Lãnh đạo UBND xã nơi anh T. sinh sống cho biết, gia đình anh T. rất khó khăn, bố đang chấp hành án phạt tù ... |
Khó khăn chồng chất, bầu Đức vẫn kiên trì trả lương cho HLV Park Hang Seo?
Duy trì Học viện bóng đá HAGL-JMG bất chấp khủng hoảng, mời HLV Park Hang Seo về Việt Nam, chừng đó đủ thấy niềm đam ... |