Thanh tra Chính phủ công bố 7 khu du lịch chậm nộp tiền thuê đất ở Bình Thuận

Trong đó, có trường hợp chủ đầu tư chưa đăng ký hợp đồng thuê đất, kê khai thuế và nộp thuế đối với diện tích 248,9 ha đã nhận bàn giao từ năm 2011.

Một góc đường ven biển Bình Thuận. (Ảnh: Hoàng Huy).

Ngày 1/12 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tại Bình Thuận, Thanh tra đã tiến hành kiểm tra 20 dự án du lịch, hầu hết đều bị chậm tiến độ so với cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư.

Nguyên nhân được cho là các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án triển khai từ 2013 hoặc thời điểm trước đó nhưng kéo dài thời gian thực hiện, chủ đầu tư không thoả thuận được giá đền bù, hỗ trợ với người dân.

Cùng với đó, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế; vướng mắc trong quy hoạch do chồng lấn với khu vực quặng titan...; hạ tầng còn thiếu đường giao thông, thiếu nước sinh hoạt...

Cũng trong đợt thanh tra này, Thanh tra Chính phủ cho biết có 7 dự án chủ đầu tư chậm hoặc chưa nộp tiền thuê đất.

Cụ thể: Công ty TNHH Mũi Yến (Khu du lịch sinh thái Mũi Yến) chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2018; CTCP Đầu tư Du lịch Long Hải (dự án Làng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Long Hải) chưa nộp tiền thuê đất 2 năm 2016 và 2017.

Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Tân Tiến (khu du lịch The Bale Mũi Né) nợ 4,2 tỷ đồng tiền thuê đất và 126 triệu đồng tiền chậm nộp; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Eden (khu du lịch biển Rừng Dương) nợ 969 triệu đồng tiền thuê đất.

CTCP Giải thưởng lớn Hoà Thắng (dự án tổ hợp thể thao - dịch vụ - du lịch Hoà Thắng) nợ hơn 2,7 tỷ đồng tiền thuê đất; Công ty TNHH Du lịch Nam Thuận Quý (khu du lịch biệt thự Nam Thuận Quý) chưa thực hiện cam kết về ký quỹ đầu tư.

Cuối cùng là Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, doanh nghiệp chưa đăng ký hợp đồng thuê đất, kê khai thuế và nộp thuế đối với diện tích 248,9 ha đã nhận bàn giao từ năm 2011.

Riêng tại huyện Bắc Bình, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, tính đến ngày 30/8/2021, trên địa bàn huyện có 32 dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, tổng diện tích 821,8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng. Qua rà soát, có 8 dự án đã tác động triển khai xây dựng nhưng tiến độ rất chậm và 24 dự án chưa triển khai. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, khu vực này trước đây vướng khai thác cát đen do đó nhà đầu tư du lịch phải tạm dừng. Ngoài khu vực khai thác thì phần lớn các dự án đều nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan quốc gia theo Quyết định số 645 của Thủ tướng Chính phủ. 

Bên cạnh đó, các vướng mắc về phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển; một số dự án nằm trong khu vực chưa có quy hoạch phân khu được duyệt; vướng đền bù giải tỏa; ngoài ra tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.