Thị trường chứng khoán - “mỏ vàng” vốn của doanh nghiệp và nhà nước

Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của chứng khoán Việt Nam là minh chứng cho sự kỳ vọng của giới đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng lớn của các công ty niêm yết.

Khi giới đầu tư đặt niềm tin ngày một lớn hơn vào triển vọng của chứng khoán Việt Nam, vai trò huy động vốn từ thị trường ngày càng được thể hiện rõ nét hơn, đặc biệt dòng vốn qua kênh cổ phiếu. Các công ty niêm yết huy động vốn công chúng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hay cổ đông chiến lược.

Tại sở quy mô lớn nhất Việt Nam là HOSE, các công ty niêm yết đã huy động gần 17 tỷ USD trong 21 năm qua, đưa vốn vào hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Theo dữ liệu tổng hợp trong giai đoạn 2000 – 2020, các công ty niêm yết trên sàn HOSE đã huy động được 336.240 tỷ đồng (14,5 tỷ USD) qua 931 đợt phát hành cổ phiếu. 

Điểm tích cực nhất là trong giai đoạn cấu trúc lại nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (2010 – 2015), huy động vốn qua kênh cổ phiếu gấp 5 lần so với giai đoạn 2004 – 2009. 80% công ty niêm yết trên sàn HOSE tăng vốn điều lệ sau khi lên sàn.

Khi dịch COVID-19 bùng bổ tàn phá nặng nề nền kinh tế Việt Nam, khiến doanh nghiệp suy hao nguồn lực, dòng vốn từ thị trường chứng khoán đã góp phần giúp các đơn vị khôi phục sản xuất, hồi phục kinh doanh. Tổng giá trị vốn huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu tại sàn HOSE đạt 49.605 tỷ đồng (2,14 tỷ USD) năm 2021, gấp 5 lần giá trị năm 2020. 

Sau huy động, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam tận dụng lợi thế dòng vốn ổn định và dài hạn phát triển kinh doanh mạnh mẽ, vươn mình lên tầm khu vực như  Vingroup, Hòa Phát, hay các ngân hàng tư nhân. 

Năm 2017, Hòa Phát có đợt phát hành lớn nhất lịch sử, huy động vốn hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư dự án nhà máy thép ở Dung Quất để rồi vươn lên trở thành công ty tầm cỡ thế giới. Hay trường hợp Vingroup huy động vốn ngoại cho những công trình giao thông tại Hà Nội. Đây là hai trong số hàng trăm đơn vị thành công trên thị trường.

 

Nhấn mạnh về vai trò của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI từng phát biểu: nếu không có quyết định ra đời thị trường chứng khoán, người dân cũng không có được những khu đô thị quy mô, khu nghỉ dưỡng hiện đại, ô tô, điện thoại, hàng tiêu dùng,… cho đến các ngân hàng thương mại. 

Nhiều doanh nghiệp giá trị tỷ USD cũng là sản phẩm từ thị trường chứng khoán. Đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có hơn 50 công ty niêm yết có quy mô vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD, trong đó có 3 cái tên giá trị trên 10 tỷ USD là Vingroup, Vinhomes, Vietcombank. 

Những phân tích trên để thấy được vai trò to lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Không chỉ thúc đẩy kinh tế tư nhân, việc thị trường chứng khoán phát triển còn giúp nhà nước thu về hàng chục nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa hay IPO. Dòng tiền này góp phần bổ sung ngân sách nhà nước, kiến thiết nền kinh tế. Số tiền thu về từ thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 là 177.397 tỷ đồng.

Qua sàn chứng khoán, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ thoái vốn lớn như tại Vinamilk, Vinaconex, DIC Corp,… Nổi bật nhất là đợt thoái 53,59% vốn tại Sabeco năm 2017, nhà nước thu về khoảng 5 tỷ USD. Bên cạnh đó là những đợt IPO công ty nhà nước như PV Power, PV Oil, Lọc hóa dầu Bình Sơn đầu năm 2018.

Trong giai đoạn tới, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp phát huy vai trò của mình khi đón nhận thêm các thương vụ cổ phần hóa những “ông lớn” trong các lĩnh vực như Agribank, VNPT, Mobifone, Vinataba… Khi đó tương quan giữa quy mô của thị trường chứng khoán và nền kinh tế sẽ ngày một lớn hơn.

Tại ngày 31/12/2021, tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu (HOSE, HNX) là hơn 6,3 triệu tỷ đồng, tương đương 100% GDP năm 2020 (tính theo giá hiện hành). Mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu bằng 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030 mà Chính phủ đề ra sẽ không mấy khó khăn để đạt được.

Phân tích kỹ hơn về bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển hơn khi thu hút được lượng lớn người dân tham gia. Thống kê đến cuối tháng 4/2022, Việt Nam đã có hơn 5,2 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, vượt ngưỡng 5% dân số. Khi những nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào sự phát triển của thị trường, đây vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và các doanh nghiệp.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.