Thông tư 36 cởi trói cho doanh nghiệp về dán nhãn năng lượng

Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012 về Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012 về Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, theo hướng bãi bỏ các quy định đang bị phàn nàn là gây khó cho doanh nghiệp, ​sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày mai (10/2).

"​Cởi trói" cho doanh nghiệp

Thông tư mới sẽ thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng, trong đó sẽ áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.

Bên cạnh đó, Thông tư 36 cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).

Thông tư còn cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập.

Đáng chú ý, Thông tư 36 sẽ bãi bỏ toàn bộ chương II của Thông tư số 07/2002 vê quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định tổ chức thử nghiệm và công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm, đồng thời ​quy định ​phải đáp ứng các điều kiện ​tại Điều 5 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP đối với doanh nghiệp trong nước và ​phải được công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC) đối với tổ chức nước ngoài.

Như vậy, ​đối với các tổ chức thử nghiệm độc lập và các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất ở nước ngoài không cần đăng ký để được Bộ Công Thương chỉ định hay công nhận, thừa nhận.

Các doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chỉ cần gửi hồ sơ, tài liệu chứng minh các phòng thử nghiệm nêu trên đáp ứng các điều kiện và gửi kèm cùng hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công Thương.

Đẩy mạnh công tác hậu kiểm

Thông tư 36 cũng bổ sung quy định về việc miễn trừ dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại, hàng hóa, phụ tùng thay thế, dự phòng nhập khẩu đơn chiếc phục vụ cho các công trình, dự án, nhà máy sản xuất, hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu...

Ngoài ra, thông tư đã bổ sung quy định về dán nhãn năng lượng điện tử, theo đó, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng giấy thông thường.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục năng lượng - Bộ Công Thương), ​doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ online, dịch vụ công ở mức độ 4 xử lý hoàn toàn trên mạng, hoặc gửi hồ sơ về Bộ Công Thương qua đường bưu điện.

"Sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý hậu kiểm sau khi doanh nghiệp tiến hành dán nhãn và lưu thông trên thị trường," ​ông Trịnh Quốc Vũ cho hay.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chỉ cần bãi bỏ, sửa đổi một quyết định hành chính đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Dẫn chứng cụ thể về quy định dán nhãn năng lượng, Phó Thủ tướng nêu rõ, quy định này khiến phát sinh chi phí rất lớn và tốn thời gian dài cho doanh nghiệp vì tất cả các thiết bị có sử dụng năng lượng đều phải dán nhãn năng lượng, trong khi nguồn lực có hạn, thậm chí ở nước ngoài đã dán nhãn ​nhưng về nước ​vẫn phải ​thực hiện lại.

"Doanh nghiệp cho rằng, nếu quy định này bãi bỏ thì đây ​sẽ là món quà lớn ​giúp tiết ​giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh" Phó Thủ tướng nói./

Chương trình Dán nhãn năng lượng dưới hình thức tự nguyện được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2006 đến năm 2011. Do là tự nguyện nên giai đoạn này ​chỉ chưa đầy 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2012, chương trình áp dụng chế độ bắt buộc nên số lượng doanh nghiệp đăng ký đã tăng lên nhanh chóng. Trong đó, năm 2012, có 665 mã sản phẩm được cấp giấy chứng nhận và dán nhãn; năm 2013 con số này tăng lên 1.532 sản phẩm; Năm 2014 là 2.655. Trong đó, 7 mặt hàng nhập khẩu được cấp chứng nhận và dán tem nhiều nhất là điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sáng.
chọn
Cận cảnh khu đất hơn 4 ha giáp phân khu Sông Hồng sắp đấu giá ở quận Bắc Từ Liêm
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu giá quyền sử dụng đất khu đất 4,35ha, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm đang hoàn thiện hạ tầng.