Sáng ngày 23/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 của Bộ Tư pháp. Tới dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Công tác xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế
Tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, Bộ Tư pháp đã quan tâm nhiều đến xây dựng thể chế, một nhiệm vụ quan trọng nhất, cơ bản nhất của Chính phủ kiến tạo phát triển. Đỗng thời cũng đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tạo ra khung khổ pháp luật ngày càng minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp.
Bộ Tư pháp cho biết, cả nước hiện có hơn 11.500 luật sư và 3.700 tổ chức hành nghề luật sư. Các luật sư đã tham gia trên 257.000 vụ việc. |
Thủ tướng cho biết, lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ nghị định, văn bản hướng dẫn những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Kết quả đó, có sự đóng góp rất lớn của Bộ Tư pháp. Việc phản ứng chính sách, pháp luật, nhất là đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất cũng được Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện kịp thời hơn. Những vấn đề gì trái quy định, gây cản trở thì đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” tương đối kịp thời.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, công tác xây dựng pháp luật có tiến bộ nhưng còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định, nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung.
Việc lập chương trình xây dựng pháp luật chưa hiệu quả cao, có tình trạng thường xuyên xin lùi, xin rút. Khi đề xuất làm luật, chưa xác định được nội hàm văn bản, gây khó khăn cho quá trình soạn thảo.
“Điều đáng buồn là Bộ luật Hình sự phải tạm dừng hiệu lực do có gần 100 sai sót phải sửa đổi. Đây là điều chưa có tiền lệ. Đề nghị các đồng chí thẳng thắn trao đổi để qua đó, rút kinh nghiệm chung, tìm ra bài học để khắc phục, đặc biệt là rà soát để sớm báo cáo Thường vụ Quốc hội, với tư cách các đồng chí hiện nay là trưởng ban soạn thảo”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Không chấp nhận văn bản không vì lợi ích của toàn xã hội
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp phải làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật, phải là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ của thể chế, chương trình xây dựng pháp luật. Khắc phục cho được tình trạng Quốc hội lưu ý là “nay rút, mai lùi”.
Làm tốt khâu thẩm định, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. “Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó. Chính bản thân Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm và làm gương về những việc này”, Thủ tướng nêu rõ. “Tôi nói nôm na là không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà để phục vụ lợi ích riêng của ngành mình hay của một nhóm người nào đó”.
Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ Tư pháp cần tham mưu, thẩm định thế nào để khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai đều phải có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực đó, kể cả Thủ tướng.
Bộ Tư pháp và ngành tư pháp các cấp cần làm tốt hơn nhiệm vụ theo dõi, thi hành pháp luật, làm tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp để khắc phục tình trạng nhờn luật trong chính bộ máy Nhà nước và trong toàn xã hội; chủ động tham mưu về các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong chỉ đạo điều hành hàng ngày. “Mỗi một vấn đề, khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp đều có nguyên nhân, cũng có thể do thể chế, do thực thi, nhận thức, cách làm của cán bộ. Các đồng chí cần theo dõi sát tình hình đất nước, cảm nhận được hơi thở cuộc sống, có ngay các tham mưu, đề xuất để chúng ta có phản ứng chính sách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu Chính phủ đặt ra là quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ.
Bộ Tư pháp cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng dữ liệu trên phạm vi cả nước, bảo đảm công khai, minh bạch, kiên quyết chống nhũng nhiễu tiêu cực. Quản lý, điều hành mạnh mẽ hơn về công tác thi hành án dân sự. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong đội ngũ chấp hành viên. Cần làm tốt chức năng thẩm định các điều ước quốc tế và tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp các khía cạnh pháp lý để hạn chế rủi ro trong thương mại đầu tư quốc tế.
Cả hệ thống tư pháp phải chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng tránh, nếu để xảy ra thì phải giải quyết tốt nhất các tranh chấp quốc tế, khắc phục ngay tình trạng cứ tranh chấp quốc tế là chúng ta thua trong hầu hết các vụ kiện.
Trong thời đại Internet, Thủ tướng mong muốn ngành tư pháp phải đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.