Dọc tuyến đường Lê Thánh Tôn, bất chấp những cơn mưa ở Sài Gòn, mấy tuần gần đây số người đến giao dịch mua bán ngoại tệ nhộn nhịp hơn thường lệ. Tại Hà Nội, con phố Hà Trung cũng tăng nhiệt theo từng ngày khi mỗi ngày USD nhích tăng gần 10 đồng. Còn theo niêm yết chính thức từ khối ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV cho đến các ngân hàng thương mại như Techcombank, Maritime Bank, Ngân hàng Đông Á, chỉ trong vòng 1 tuần (21-28.10.2016), mức chênh lệch giá bán ra đồng USD đã vào khoảng 20-50 đồng, tức diễn biến rất sát với xu hướng trên thị trường tự do.
Diễn biến mới này cũng trùng khớp với những dự đoán trong báo cáo của BMI (công bố vào tháng 8), được giới chuyên gia kinh tế cảnh báo có thể sẽ tác động lên cán cân xuất nhập khẩu 2 tháng cuối năm nay. Theo đó, BMI cho rằng tiền đồng có thể chạm ngưỡng 22.600 đồng đổi 1USD vào cuối quý IV/2016 và sẽ thiết lập đỉnh mới khoảng 23.200 VND/USD vào cuối năm 2017, tức tương đương mức điều chỉnh tăng lần lượt là 1,3% và 4% so với tỉ giá đang ở ngưỡng 22.300 VND/USD hiện tại. Còn trong một hội nghị gần đây, VinaCapital dự báo đồng USD có thể tăng đột biến tới 22.700 đồng đổi 1USD. Có nhiều dấu hiệu vĩ mô trong và ngoài nước cũng như cung cầu trên thị trường ngoại tệ đang củng cố cho nhận định trên của BMI.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tỉ giá VND/USD sẽ tăng khoảng 1% trong những tháng cuối năm. Mức tăng này, theo ông, gắn chặt với 3 yếu tố vĩ mô của thế giới gồm mức tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tình hình chiến sự tại Trung Đông và sự mất giá của nhân dân tệ. Ý kiến chung từ phía các nhà điều hành quỹ đầu tư như ông Johan De Geer của quỹ Endurance Capital (có trụ sở tại TP.HCM) lại cho rằng phần lớn nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất lên tới 50-70 thậm chí 100 điểm cơ bản thay vì 25 điểm cơ bản (từ mức lãi suất thấp 0,25-0,5%/năm hiện nay). Dự báo này khác với nhận định của Tiến sĩ Hiếu rằng FED chỉ có thể tăng 25 điểm cơ bản.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 27.10 vừa qua, biến động lãi suất trái phiếu chính phủ các nước trên thị trường trái phiếu quốc tế khiến cho đồng USD đã tăng giá 0,15% so với yen Nhật, lên gần mức đỉnh trong 3 tháng qua, tức 1USD đổi 104,64JPY.
Còn đối với diễn biến vĩ mô trong nước, Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Thiên Việt đồng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, khi cho rằng lạm phát tăng cao tạo áp lực trực tiếp lên tỉ giá cuối năm, từ 0,6% năm ngoái lên mức dự báo khoảng hơn 4% cả năm 2016.
Ngoài ra, tỉ giá VND/USD trên thị trường niêm yết và tự do đều có xu hướng tăng (khoảng 0,8-0,9% kể từ đầu năm), được cho là thấp hơn so với tốc độ tăng của đồng USD trên thế giới. Do vậy, áp lực tăng đối với tỉ giá VND/USD là khá lớn. Tuy vậy, giới chuyên gia ngân hàng nhận định dù tỉ giá có tăng thì thanh khoản đồng USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn khá dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cuối năm 2016.
Theo Công ty Chứng khoán VCBS, mặc dù có tăng nhưng sự ổn định của tỉ giá và thị trường ngoại hối sẽ vẫn được duy trì, không có thiếu hụt thanh khoản trong 2 tháng cuối năm. Đầu tiên, thặng dư thương mại tiếp tục nới rộng và đạt 2,77 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm. Thêm vào đó, vốn FDI giải ngân đang trong xu hướng tăng, đạt 11,02 tỉ USD (tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong khi nguồn cung USD được duy trì thì lực cầu ngoại tệ này không tăng đột biến, thể hiện qua số liệu về cán cân thanh toán tổng thể. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý III/2015, thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể đạt hơn 6,5 tỉ USD. Trong khi đó, quý II/2016 cán cân thanh toán tổng thể đã ghi nhận mức thặng dư hơn 3,2 tỉ USD.
Đại diện Ngân hàng Techcombank chi nhánh Đồng Nai cho biết, trong 2 tuần gần đây số doanh nghiệp xin tư vấn các giao dịch liên quan đến hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ có tăng. Hầu hết đều xuất phát từ tâm lý lo ngại đồng USD mạnh lên sẽ gây khó khăn cho các hợp đồng nhập khẩu đã ký kết trước đó. Còn theo chia sẻ của giao dịch viên phòng ngoại hối của một ngân hàng Nhật, các khách hàng FDI đã chủ động mua vào các hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ USD/JPY từ 1-2 tháng để phòng rủi ro đồng yen mất giá.
Theo khảo sát của NCĐT, khá nhiều doanh nghiệp nhập khẩu - đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp nếu tỉ giá ngoại tệ tăng - đã hành động nhằm phòng ngừa rủi ro tỉ giá.
Ông Võ Dũng, Tổng Giám đốc công ty chuyên cung cấp dầu diesel cho các doanh nghiệp vận tải tại vùng Đông Nam Bộ, cho biết: “Tôi theo dõi sát tình hình bầu cử tại Mỹ và tỉ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên không ngạc nhiên nếu tỉ giá có biến động”. Ngay từ khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá trung tâm tăng 13 đồng vào nửa tháng trước, ông đã rà soát lại toàn bộ các khoản nợ bằng USD của hơn 70 khách hàng lớn và chỉ đạo nhân viên thu hồi nợ trước thời hạn. Mặt khác, ông chủ động điều chỉnh lại tỉ giá tham chiếu trong các hợp đồng mua bán dầu diesel mới phát sinh. “Nhờ vậy, doanh nghiệp chúng tôi vẫn bảo toàn được biên lợi nhuận của các hợp động mới, kể cả trong lúc giá bán USD tham chiếu tại Hội sở Ngân hàng Nhà nước trong phiên đầu tuần ngày 24.10 tăng mạnh 28 đồng”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu hạt nhựa cho biết nếu mức biến động tỉ giá dưới 2%, doanh nghiệp của ông vẫn có thể tạm ổn định được, vì đã được tính toán trong trích lập dự phòng biến động tỉ giá từ đầu năm, theo yêu cầu của ngân hàng cấp tín dụng cho công ty ông là BIDV, khi đòi hỏi trước khoản giải ngân tín dụng ngoại tệ.