Theo South China Morning Post (SCMP), giới phân tích nhận định thị trường Mỹ là một điềm báo gở cho tham vọng toàn cầu của ByteDance. Không những vậy, thỏa thuận bán TikTok cũng thuộc loại "dễ nói, khó làm" vì một loạt các trở ngại về công nghệ và pháp lí phức tạp.
Ngày 14/8, khi công bố quyết định mới, Tổng thống Trump cho hay: "Chúng tôi có bằng chứng đáng tin cậy khiến tôi tin ByteDance có thể thực hiện các hành động đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ".
Trước đó, vào ngày 6/8, ông Trump đã kí ban hành sắc lệnh hành pháp cấm một số giao dịch nhất định của TikTok ở Mỹ trừ khi ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng này trong vòng 45 ngày.
Giới phân tích cho rằng dù sắc lệnh mới nhất của ông Trump cho ByteDance thêm thời gian đàm phán bán TikTok, bước đi mới cũng củng cố lập trường pháp lí của Tổng thống Mỹ với công ty Trung Quốc này.
Microsoft trở thành ứng viên tiềm năng nhất để mua lại hoạt động của TikTok ở Mỹ, theo sau là một số tên tuổi khác như Twitter. Tuy nhiên, SCMP đưa tin vào tuần trước cho biết khả năng Microsoft đạt được thỏa thuận là rất nhỏ và cơ hội của Twitter lại càng mong manh hơn.
Trong khi Microsoft xác nhận họ đang theo đuổi thỏa thuận mua lại hoạt động của TikTok ở Mỹ, Canada, Australia và New Zealand thì người đồng sáng lập Bill Gates mô tả thỏa thuận tiềm năng là chén rượu độc.
Một số nhà quan sát đưa ra khả năng rằng CEO kiêm nhà sáng lập của ByteDance Zhang Yiming có thể rút lui khỏi thị trường Mỹ vì ứng dụng chị em của TikTok là Douyin chỉ hoạt động ở Trung Quốc và đóng góp phần lớn doanh thu.
Dù vậy, để mất thị trường Mỹ sẽ là một liều thuốc đắng mà ông Zhang khó lòng nuốt trôi và có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của TikTok trong ngắn hạn.
"TikTok đã bị đặt vào một tình huống đặc biệt khó xử", nhà phân tích Joe Albano viết trên cộng đồng nhà đầu tư Seeking Alpha. "TikTok có thể bị mua lại hoặc bị cấm ở Mỹ, không kịch bản nào tươi sáng cho con đường phát triển tương lai của ứng dụng này hết".
Một số nước phương Tây khác, bao gồm Pháp, cũng đang điều tra TikTok với cáo buộc ứng dụng video nổi tiếng xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, gây đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, tờ Sydney Morning Hereal đưa tin cuộc điều tra của Australia cho thấy TikTok không gây đe dọa an ninh.
ByteDance còn có một phương án thứ ba: Kiện quyết định của chính quyền ông Trump ra tòa. ByteDance cho biết họ đang theo đuổi kế hoạch này để "đảm bảo luật pháp không bị phớt lờ". Đến nay, ByteDance vẫn chưa đệ trình hồ sơ lên tòa án.
Việc bán TikTok tạo ra một số vấn đề kĩ thuật phức tạp có thể mất nhiều tháng hoặc vài năm để hoàn thành, chẳng hạn như kiểm tra toàn bộ mã code và máy chủ của ứng dụng chia sẻ video này.
TikTok và các ứng dụng từ đại gia đình ByteDance nổi tiếng với hệ thống đề xuất nội dung do AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ, mang đến cho người dùng các nội dung phù hợp với sở thích cá nhân.
Năm 2018, kĩ sư Cao Huanhuan của ByteDance đã tiết lộ một số công nghệ đứng sau ứng dụng tổng hợp tin tức Jinri Toutiao tại Trung Quốc. Năm nay, TikTok cũng tiết lộ một số chi tiết kĩ thuật trên trang web.
Cả hai ứng dụng trên đều sử dụng cơ chế tương tự để gắn sở thích người dùng với nội dung.
Về mặt chức năng và kĩ thuật, TikTok cũng giống các sản phẩm khác của ByteDance về ba yếu tố: tương tác của người dùng trên ứng dụng (thích một video hoặc theo dõi một tài khoản); thành phần của nội dung (âm thanh và hashtag); và "môi trường sống" của người dùng (tùy chọn ngôn ngữ, cài đặt quốc gia và loại thiết bị).
Đồng thời, TikTok còn cung cấp một lượng nội dung nhất định ngoài sở thích trực tiếp của người dùng.
Tuy nhiên, mã hóa cơ chế hoạt động của TikTok chỉ là bước đầu tiên. Dù phát triển từ chung một mã code, thuật toán đề xuất ở các thị trường khác nhau đương nhiên không tương đồng, SCMP dẫn lời một chuyên gia công nghệ cho hay.
Tuần trước, Reuters, đưa tin TikTok chia sẻ tài nguyên kĩ thuật với Douyin và các ứng dụng khác của ByteDance. Ngoài ra, mã máy chủ của TikTok cũng được chia sẻ một phần trên các sản phẩm khác của công ty mẹ.
"Microsoft, hay bất kì ai mua TikTok đều cần phải kiểm tra toàn bộ mã code, máy chủ, hợp đồng kinh doanh, qui trình và thậm chí là nhân viên trước khi thực hiện các thay đổi", ông Patrick Jackson - cựu nhà nghiên cứu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho hay.
Theo ông Jackson, quá trình trên có thể mất ít nhất vài tháng hoặc thậm chí có thể là vài năm.
"Ngoài ra, công ty nào mua lại TikTok cũng sẽ phải đàm phán với chính phủ Mỹ về phạm vi giám sát, kiểm tra hoặc áp dụng bất kì biện pháp kiểm soát nào cho đến khi thỏa thuận hoàn tất", ông Wade Weems - cựu cựu công tố viên Phòng An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ, nhận định.
Khi thông báo về cuộc đàm phán với ByteDance, Microsoft cam kết "đảm bảo tất cả dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ sẽ được chuyển về Mỹ và bảo vệ tại Mỹ".
Do đó, Reuters nhận thấy cắt đứt quan hệ giữa TikTok tại Mỹ với công ty mẹ ByteDance như mong muốn của ông Trump và giới lập pháp Mỹ có thể mất một năm hoặc hơn.
Bên cạnh khó khăn về kĩ thuật, các nhà phân tích cho rằng khả năng TikTok hoạt động tự do ở Mỹ như trước là rất thấp và điều này có thể gây rắc rối cho tham vọng của TikTok ở các thị trường lớn khác như Ấn Độ và châu Âu.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Sensor Tower, TikTok ghi nhận tổng cộng 49 triệu lượt tải xuống ở Mỹ trong nửa đầu năm 2020, doanh thu trong ứng dụng chạm ngưỡng 28,6 triệu USD - chiếm gần 60% tổng doanh thu trong ứng dụng của TikTok.
Mặc dù TikTok ở Ấn Độ có nhiều người đăng kí hơn tại Mỹ, tỉ trọng doanh thu của thị trường tỉ dân này lại nhỏ hơn.
Về quảng cáo, Forrester Analytics dự đoán chi tiêu trên mạng xã hội ở Mỹ sẽ đạt 37,4 tỉ USD trong năm nay, trong khi của Ấn Độ chỉ là 1,7 tỉ USD.
Ông Wang Xiaofeng - nhà phân tích cấp cao của Forrester, cho biết: "Về khả năng tạo doanh thu, thị trường Mỹ quan trọng hơn nhiều so với Ấn Độ".
"Hệ sinh thái của TikTok khó mà phát triển nếu thiếu Mỹ", nhà phân tích Nan Lu của Sensor Tower nói. "TikTok sẽ mất đôi cánh nếu bị đuổi khỏi thị trường Mỹ, họ chắc chắn muốn ở lại Mỹ".
Thị trường Mỹ là mỏ vàng cho các ứng dụng khác, thói quen người dùng mạng tại Mỹ thường được thế giới theo dõi. Nếu TikTok không hoạt động ở Mỹ, nhiều người dùng có tầm ảnh hưởng (influencer) có thể chuyển sang các nền tảng khác, từ đó tạo ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh toàn cầu, ông Lu nói tiếp.
Giới chuyên gia cho rằng cơ hội để ByteDance thắng kiện chính phủ Mỹ là không chắc chắn. Ông Weems cho hay: "Việc ByteDance kiện Washington ra tòa sẽ rất khó khăn, nhưng không phải là không thể".
Trong một tuyên bố, ByteDance cho biết sắc lệnh hành pháp ngày 6/8 của ông Trump "được ban hành mà không tuân theo thủ tục hợp pháp".
Ngoài ra, ông Wade Weems cho biết ByteDance cũng có thể khởi kiện theo tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, liên quan đến các vi phạm về quyền tự do ngôn luận.
Cuối cùng, ByteDance có thể "chờ đợi cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra để xem có thay đổi nào không, dù họ có thể mất gần hai tháng hoạt động ở Mỹ, ông Joe Albano nói. Chiến lược này có thể thất bại do ứng viên Joe Biden cũng không phải là người ủng hộ TikTok.