Theo đó, Tiktok sẽ bị kiểm tra toàn diện tại Việt Nam từ ngày 15/5 đến hết tháng 5/2023 do Cơ quan liên ngành triển khai kiểm tra.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã lập kế hoạch kiểm tra, danh sách thành viên của đoàn và gửi công văn cho các Bộ, ngành liên quan để cử người tham gia.
Trước đó, Bộ TT&TT đã đánh giá tình trạng video có chứa những nội dung độc hại xuất hiện nhiều trên TikTok trong cuộc họp vào đầu tháng 4 vừa qua, song nền tảng không chủ động ngăn chặn và xử lý.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, nền tảng mạng xã hội TikTok tồn tại nhiều vấn đề nhưng chưa có biện pháp kiểm soát nội dụng gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Thứ nhất, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí và độc hại.
Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view và phản cảm.
Thứ ba, TikTok không có biện pháp để ngăn chặn các hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả - hàng nhái,...
Thứ tư, TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội nhưng không quản lý hoạt động của các idol nên nhiều người nổi tiếng có xu hướng sản xuất những nội dung thiếu văn hóa để hướng đến sự hiếu kỳ có người xem.
Thứ năm, TikTok không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với những nội dung vi phạm bản quyền, điển hình như các nội dung trích từ phim.
Thứ sáu, TikTok đã để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để bôi nhọ, xúc phạm người khác mà không có biện pháp quản lý.
Theo ghi nhận, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.
Tính đến hiện nay, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan,... là những quốc gia đã cấm TikTok do lo ngại về vấn đề bảo mật, quyền riêng tư, nội dung trái đạo đức.
Ngoài ra, một số quốc gia và tổ chức cũng cấm ứng dụng trên các thiết bị của công chức, nhân viên chính phủ như Mỹ, Australia, Anh, Canada,... do vấn đề an toàn thông tin.