Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quí III/2020.
Số liệu về tình hình lao động việc làm trên thế giới cho thấy tình trạng thất nghiệp quí III đã có dấu hiệu giảm nhiệt so với quí II tại một số quốc gia như Canada, Mỹ, Trung Quốc lần lượt là 10,2%; 8,4%; 5,9%. Tuy nhiên những con số này vẫn còn cao hơn nhiều so với cùng kì năm trước.
Với Việt Nam, nhìn chung, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quí III năm 2020 được cải thiện so với quí II. Song, các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quí III và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kì năm trước.
Qua 9 tháng, trong 31,8 triệu người từ 15 tuổi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có 68,9% người bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xét về khu vực bị ảnh hưởng, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.
Sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỉ lục vào quí II/2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kì năm trước.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quí III là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quí II nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kì năm 2019.
Qua 9 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kì năm trước và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Theo GSO, nếu tính trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1% như giai đoạn 2016 - 2019 và nếu không có dịch Covid-19 thì mỗi năm nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động. Hay nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người.
Báo cáo của GSO chỉ ra rằng, sang quí III, lực lượng lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ phục hồi nhanh hơn. Đây đồng thời nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của đại dịch qua 9 tháng đầu năm.
Tính đến tháng 9/2020, theo GSO, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo, đó là lao động có việc làm tăng so với quí trước chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức và tốc độ tăng của lao động phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức (5,8% và 0,8%).
GSO chỉ ra rằng, những con số trên cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi như khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội.
Theo báo cáo, số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quí III/2020 là 1,3 triệu người, giảm 81.400 người so với quí trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 560.400 người so với cùng kì năm 2019.
Về tỉ lệ thất nghiệp trong trong độ tuổi lao động, tỉ lệ này qua 9 tháng năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước.
Theo GSO, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Tuy nhiên việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19.
GSO nhận định, tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng cao nhất trong vòng 10 năm qua đã làm chậm khả năng khai thác nguồn nhân lực dồi dào cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
Do đó, GSO đề xuất các chính sách của Chính phủ cần tiếp tục tập trung vào các đối tượng này nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Trong đó, khuyến nghị tập trung thực hiện gói hỗ trợ, đặc biệt cần nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kĩ thuật và lao động phi chính thức.
Đồng thời, Chính phủ cũng nên đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.