Tổng thống Trump và Fed: Ai đúng về gói kích thích kinh tế?

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kêu gọi nhanh chóng thông qua gói kích thích kinh tế chỉ vài tiếng trước khi ông Trump ngừng các cuộc đàm phán. Trước nguy cơ phục hồi kinh tế chững lại, Mỹ không thể chờ đợi gói kích thích tới sau cuộc bầu cử như quyết định của ông Trump.
Ông Trump và Fed: Ai là bên đúng về gói kích thích kinh tế? - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty Images).

Tổng thống Trump đã lệnh cho chính quyền mình ngừng thảo luận về gói kích thích kinh tế mới cho đến sau cuộc bầu cử. Ngược lại, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo nếu thiếu kích thích tài khóa bổ sung, xu hướng phục hồi kinh tế sẽ rất dễ sụp đổ.

Cho đến nay, kinh tế Mỹ đã tránh được những động thái thông thường trong giai đoạn suy thoái nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của kích thích tài khóa và tiền tệ với qui mô lớn chưa từng thấy.

Theo Bloomberg, nếu không có thêm hỗ trợ, nền kinh tế Mỹ có thể chuyển biến theo hướng xấu đi rất nhiều so với hiện tại. Tăng trưởng giảm tốc dẫn đến tâm lí bi quan, kinh tế mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự thu hẹp. Chẳng có lí do gì kinh tế Mỹ cần phải chấp nhận rủi ro này.

Để nhấn mạnh tính cấp thiết của gói kích thích mới, ông Powell đã chuyển sự chú ý sang một điểm quan trọng nhưng rất dễ bị lãng quên: Cuộc phục hồi kinh tế từ vực thẳm đại dịch cũng đáng kinh ngạc như cú lao dốc.

GDP Mỹ giảm kỉ lục hơn 31% trong quí II tính theo phương pháp chuẩn hóa theo năm. Tỉ lệ thất nghiệp nhảy vọt tới gần 15%. Kể từ đó, nền kinh tế số một thế giới đã hồi phục mạnh mẽ với tốc độ đáng nể, nhờ vào các phản ứng chính sách nhanh chóng và kiên quyết.

Fed đã cung cấp thanh khoản không giới hạn một cách hiệu quả, giảm lãi suất xuống 0, dấn thân vào chương trình mua trái phiếu mở rộng và điều chỉnh chính sách để báo hiệu sự hỗ trợ lâu dài.

Quốc hội nhanh nhẹn phê chuẩn tổng cộng 4 gói kích thích với qui mô khoảng 3.000 tỉ USD. Sự sụp đổ kinh tế đáng sợ đã dẫn đến việc mở rộng tài khóa "thực sự phi thường", ông Powell chỉ ra.

Phục hồi kinh tế không tự nhiên mà đến và cũng không thể tự duy trì. Đại dịch chưa được kiểm soát, Fed không còn nhiều dư địa chính sách, phần lớn các điều khoản trong gói kích thích cũ đã hết hạn từ tháng 7. Dữ liệu gần đây cho thấy đà phục hồi đã chững lại.

Sự giảm tốc của nền kinh tế có thể tệ đi, vì chi tiêu hộ gia đình vẫn đang được hỗ trợ bởi những khoản tiền còn lại từ gói kích thích trước đó. Một khi số tiền này cạn, chi tiêu có thể đột ngột chững lại. Áp lực tài chính đè nặng lên các bang và thành phố cũng có thể gây ra tác động tương tự.

Phải thừa nhận rằng triển vọng tài khóa dài hạn có những điểm đáng ngại. Nợ công và nợ chính phủ đã tăng vọt. Khi đại dịch và những hậu quả kinh tế của nó lắng xuống, kiểm soát tài khóa sẽ bị đặt vào tâm điểm sự chú ý. Nhưng hiện tại, rủi ro của việc thiếu hụt hỗ trợ vẫn lớn hơn rất nhiều.

Kích thích tài khóa quá ít ỏi hoặc bị trì hoãn quá lâu có thể khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn hoặc thậm chí là thu hẹp. Hiện tại chính phủ Mỹ vẫn có thể vay tiền với lãi suất cực rẻ và lạm phát thấp hơn mục tiêu, do vậy việc tung ra quá nhiều kích thích gần như không tạo ra mối nguy nào.

Theo Bloomberg, gói kích thích đã bị bế tắc suốt hàng tháng trời do các cuộc tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Nhưng quyết định ngừng các cuộc đàm phán của ông Trump không phải là giải pháp. Ông Trump đã sai. Các nghị sĩ cần đạt được thỏa thuận ngay lập tức về gói kích thích mới với qui mô đáng kể.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.