Triều Tiên gọi vụ đột nhập Đại sứ quán ở Tây Ban Nha là 'tấn công khủng bố'

Triều Tiên đã gọi vụ đột nhập vào Đại sứ quán nước này ở Tây Ban Nha hồi tháng trước là “tấn công khủng bố” và kêu gọi một cuộc điều tra về vụ việc này.
Triều Tiên gọi vụ đột nhập Đại sứ quán ở Tây Ban Nha là tấn công khủng bố - Ảnh 1.

Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters).

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 31/3 dẫn tuyên bố của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi một cuộc điều tra nhằm vào vụ đột nhập vào Đại sứ quán của Bình Nhưỡng ở Tây Ban Nha tháng trước.

"Một vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng diễn ra ngày 22/2 khi một nhóm có vũ trang tấn công Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha. Chúng tôi kỳ vọng rằng chính quyền Tây Ban Nha sẽ mở một cuộc điều tra về sự việc này", phát ngôn viên trên cho hay.

Ngày 22/2, một nhóm khoảng 10 người đàn ông dường như đã đột nhập vào Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Madrid. Các đối tượng này được cho là đã khống chế và bịt miệng các nhân viên ngoại giao và lục lọi cơ sở này trong 4 giờ đồng hồ, sau đó lấy đi các máy tính và thiết bị điện tử khác rồi lên 2 chiếc xe mang biển ngoại giao đi khỏi hiện trường. Nhóm này cũng được cho là đã ghi hình lại toàn bộ vụ đột nhập bằng các camera siêu nhỏ để bàn giao cho đội ngũ ra lệnh và trả tiền cho vụ tấn công.

Các đối tượng đột nhập dường như đã cố gắng thu thập các "thông tin nhạy cảm" về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ở Hà Nội ngày 27-28/2.

Truyền thông Tây Ban Nha hoài nghi rằng tình báo Mỹ đứng sau vụ việc. Trong khi đó, Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha ngày 26/3 cho biết Adrian Hong Chang, một công dân Mexico, đối tượng bị cáo buộc là kẻ cầm đầu vụ tấn công, được cho là đã liên lạc với "FBI tại New York 5 ngày sau vụ tấn công để cung cấp các thông tin có liên quan tới vụ đột nhập tại đại sứ quán Triều Tiên".

Theo báo Tây Ban Nha El Mundo, các đối tượng này được cho là đã còng tay các nhân viên ngoại giao Triều Tiên, trong khi đưa Đại biện lâm thời Yu Sok-so vào phòng kín để hỏi thông tin về cựu Đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha Kim Hyok Chol, người đã bị Madrid trục xuất năm 2017 để phản đối Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân.

Sau đó, nhà ngoại giao này đã trở thành Đặc phái viên của Triều Tiên tham gia vào phái đoàn đàm phán hạt nhân với Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Nhóm Dân phòng Cheollima, một tổ chức bất đồng chính kiến bí mật có âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên, ngày 27/3 đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc. Tuy nhiên, Cheollima không đề cập tới tên của Hong hay bất kỳ cá nhân nào có liên quan tới vụ đột nhập.

Ngày 26/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Ralladino cho biết chính phủ Mỹ không liên quan tới vụ việc, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ kêu gọi việc bảo vệ các đại sứ quán, bất kể đó là đại sứ quán của nước nào.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.