Theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, do dịp lễ Tết Nguyên đán có ngày làm việc xen kẽ dịp nghỉ cuối tuần nên Bộ đưa ra các phương án với số ngày nghỉ khác nhau. Theo đó, dịp Tết Âm lịch có hai phương án nghỉ 7 hoặc 10 ngày. Lãnh đạo Bộ cho rằng, phương án nghỉ 7 ngày là hài hòa, không quá ngắn cũng không quá dài.
Dịp nghỉ Tết Âm lịch năm 2017 sẽ có hai phương án, nghỉ 7 ngày hoặc 10 ngày. |
Phương án thứ nhất, công chức sẽ nghỉ từ 26/1 đến 1/2/2017 (tức 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Do mùng 1, mùng 2 Tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 Tết. Tổng cộng có 7 ngày nghỉ và không hoán đổi.
Phương án thứ hai, công chức nghỉ từ 27/1 đến hết 5/2/2017 (tức 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Việc hoán đổi ngày nghỉ thực hiện như sau: công chức đi làm thứ bảy 11/2/1017 nghỉ thứ Sáu 3/2/2017, để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục.
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Bộ Lao động cũng đưa ra hai phương án nghỉ 1 ngày hoặc 4 ngày. Phương án đầu tiên là nghỉ đúng một ngày mùng 10 tháng Ba Âm lịch (6/4).
Phương án thứ hai thực hiện hoán đổi ngày nghỉ, công chức đi làm bù vào thứ bảy một tuần sau đó để được nghỉ liên tục 4 ngày cuối tuần từ thứ năm đến hết Chủ nhật (6/4 đến 9/4/2017). Bộ Lao động ủng hộ phương án thứ Hai.
Những dịp lễ khác sẽ nghỉ theo quy định của Luật Lao động.
Tết Dương lịch dự kiến nghỉ 3 ngày (31/12/2016 đến hết 2/1/2017).
Dịp 30/4 và 1/5 có bốn ngày nghỉ liên tiếp (29/4 đến 2/5/2017).
Quốc khánh 2/9 vào thứ Bảy, công chức được nghỉ bù vào thứ Hai, ngày 4/9, tổng cộng nghỉ liên tiếp 3 ngày.
Nếu Chính phủ thông qua phương án nghỉ 7 ngày, Tết Âm lịch và không hoán đổi ngày nghỉ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, công chức sẽ được nghỉ tổng cộng 18 ngày. Nếu theo phương án hai, số ngày nghỉ lễ, Tết sẽ tăng lên 24 ngày.