Trực tiếp: Thủ tướng chỉ đạo khắc phục vụ máy bay bị nạn tại Bà Rịa - Vũng Tàu |
Một mẫu EC130. Ảnh: airbushelicoptersinc.com |
Trực thăng EC130 là sản phẩm do tập đoàn Eurocopter, sau này đổi thành Airbus Helicopters, sản xuất. EC130 là loại máy bay một động cơ hạng nhẹ được phát triển từ khuôn mẫu chiếc AS350 Ecureuil.
Trực thăng EC130 còn có tên gọi là H130, được sản xuất với các công nghệ mới nhất. Cabin máy bay rộng, đem lại cảm khác thoải mái và tính linh hoạt khi khi sử dụng. Máy bay dài 10,68 m, cao 3,34 m, trọng lượng khi cất cánh tối đa gần 2.500 kg, tầm bay xa nhất 610 km và có vận tốc trung bình 240 km/h.
Theo trang web của Airbus Helicopters, động cơ Turbomeca Arriel 2D có thể tăng khả năng hoạt động của máy bay ở mức độ tiêu thụ niên liệu thấp. Các tính năng khác bao gồm hệ thống kiểm soát độ rung và cấu trúc cabin. Với ưu thế về tầm nhìn, độ tĩnh và mức độ an toàn, EC130 là một trong những thiết kế chủ chốt của Airbus Helicopters và đặc biệt phù hợp với nhu cầu sử dụng cá nhân, cũng như hoạt động du lịch.
EC130 được trang bị hệ thống điện tử hàng không và các tính năng an toàn như bộ ghi dữ liệu máy bay, ghế ngồi có khả năng chống chịu trong tai nạn, hệ thống bay dự phòng. Vertical Magazine nhận định hệ thống thiết bị buồng lái của loại máy bay này "không phức tạp" và phản ứng kiểm soát "chặt chẽ".
Phi cơ còn trang bị công nghệ hỗ trợ phi công, giúp hỗ trợ phi công trong quá trình điều khiển mà vẫn đảm bảo tính an toàn. Tuỳ theo nhu cầu và vai trò của khách hàng, công nghệ và thiết bị chiến thuật có thể được bố trí ngay trong buồng lái. EC130 còn có chế độ Quy tắc bay bằng mắt (VFR) tích hợp, cùng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), do đó có thể dễ dàng vận hành trong điều kiện ban ngày và ban đêm.
Trực thăng EC130 có thể kết hợp với các công ty lữ hành. Loại máy bay này được mô tả là có cabin rộng rãi với sức chứa 7-8 người và tầm nhìn bên ngoài "tuyệt vời". Năm 2001, EC130 được đưa vào sử dụng trong các tour du lịch trên không ở những khu vực danh lam thắng cảnh như Hawaii và hẻm núi Grand Canyon.
EC130 chủ yếu được sản xuất cho mục đích vận tải thương mại và hướng đến đối tượng là các công ty du lịch có chương trình thám phá trên không. Vertical Magazine từng mô tả EC130 là "một trong những máy bay trực thăng một động cơ thành công nhất trong dịch vụ hỗ trợ y tế bằng đường hàng không". Loại máy bay trực thăng dân sự này còn được sử dụng trong nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, tuần tra, giám sát.
EC130 còn được dùng trong hoạt động hỗ trợ y tế. Ảnh: airbushelicoptersinc.com |
Tháng 2/2012, Eurocopter trình làng mẫu EC130 T2, phiên bản nâng cấp EC130 với tính năng động cơ Turbomeca Arriel 2D mạnh mẽ hơn. Hơn 70% khung máy bay EC130 T2 khác với phiên bản EC130, cải thiện hệ thống kiểm soát rung và điều hoà không khí, tạo sự thoải mái cho người sử dụng, trong khi đó lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm 14%.
Năm 2007, nhu cầu mua lớn nhất trục thăng EC130 và các trực thăng một động cơ khác đến từ thị trường Mỹ Latinh và Bắc Mỹ. Đến tháng 5/2008, EC130 đã vượt qua Bell 206 để trở thành loại máy bay một động cơ bán chạy nhất trên thị trường. Năm 2012, Flight International gọi EC130 là một trong những mẫu máy bay lên thẳng bán chạy nhất của Eurocopter, với 238 đơn hàng được đặt trong năm 2011, tăng 40% so với những năm trước.
Trong năm 2007, một chiếc EC130 từng được sử dụng là máy bay thử nghiệm trong chiến dịch bay thử quy mô lớn, nhằm kiểm tra tính năng giảm tiếng ồn trong các giai đoạn bay.
Tháng 10/2015, một chiếc trực thăng EC130 của Indonedia từng mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu, khi đang bay từ đảo Samosir tới sân bay Kualanamu ở thành phố Medan. Chiếc máy bay trực thăng dân sự sau đó được phát hiện rơi xuống một hồ nước.
Năm 2011, một chiếc EC-130 B4 từng đâm vào sườn núi và gặp nạn, khiến phi công và 4 du khách thiệt mạng. Sự việc xảy ra khi máy bay đang chở du khách tham quan trên hành trình từ đảo Maui đến ở đảo Molokai, Hawaii.
Tháng 3/2015, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Vietnam Helicopters - VNH) đã tiếp nhận một chiếc EC-130 T2 mang số hiệu 8632.