Hãng hàng không của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Vinpearl Air, dự kiến sẽ cất cánh vào giữa năm 2020. Tổng giám đốc Vinpearl Air Phan Xuân Đức nhấn mạnh hãng sẽ hạn chế sử dụng phi công nước ngoài, mà hướng đến có được những chuyến bay "made in Vietnam".
Từ cuối tháng 8, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành hàng không thuộc Vinpearl Air (VinAviation) đã tổ chức tuyển sinh. Chia sẻ trong buổi tư vấn tuyển học viên tại TP HCM vào ngày 2/10, ông Phan Xuân Đức cho biết đã có khoảng 400 học viên đủ điều kiện nhập học.
Để trở thành phi công cho Vinpearl Air, các học viên phải trải qua vòng tuyển sinh và khóa đào tạo chuyện biệt. Học phí cho chương trình đào tạo được hãng này công bố là 120.000 USD (khoảng 2,82 tỉ đồng). Mức này chưa kể chi phí làm visa, đi lại, ăn ở tại nước ngoài, dự kiến khoản 10.000-12.000 USD.
Tổng giám đốc Vinpearl Air cho biết đã có khoảng 400 học viên đủ điều kiện nhập học khóa đào tạo phi công đầu tiên. (Ảnh: Thảo Phương).
Với chi phí trên 3 tỉ đồng, Tổng giám đốc Vinpearl Air tuyên bố đây là chương trình có giá đặc biệt nhất, thấp hơn giá chung của thị trường 25-30%. Ông cho biết thêm hiện tại chi phí đào tạo phi công có mức sàn chung lên đến 5 tỉ đồng.
Đại diện Vinpearl Air tuyên bố đây là chương trình đào tạo phi lợi nhuận. Hãng không chỉ hướng đến ứng viên tại các thành phố lớn hoặc gia đình có điều kiện, mà còn tạo cơ hội cho các bạn trẻ đam mê nghề bay tại nông thôn, vùng sâu.
Để giải quyết bài toán tài chính của các học viên khó khăn, Vinpearl Air phối hợp cùng ngân hàng cung cấp gói vay tới 75% học phí. Đặc biệt, gói vay có ân hạn trả gốc đến 26 tháng, tức trong khoảng thời gian học, học viên chỉ cần trả lãi. Số tiền lãi và gốc còn lại sẽ trả dần khi học viên bắt đầu đi làm.
Ngoài ra, Vingroup sẽ bảo lãnh cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vay ngân hàng, được hỗ trợ 100% lãi vay.
Đại diện Vinpearl Air cũng cho biết những trường hợp đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ kinh phí lên đến 50.000 USD/học viên, trong đó một phần sẽ được trích để trả lãi ngân hàng, một phần được trừ vào học phí phải đóng.
Để trở thành học viên phi công, trước tiên ứng viên phải vượt qua 6 vòng kiểm tra. Điều kiện cần đầu tiên, các ứng viên phải đạt chuẩn sức khỏe loại 1 đối với phi công do Cục hàng không Việt Nam qui định.
Về thể lực, chiếu cao tối thiểu phải từ 1m65 (nam) và từ 1m60 (nữ). Cân nặng đúng qui định là từ 54kg (nam) và từ 48kg (nữ). Ngoài ra, còn có các yêu cầu về chỉ số khối cơ thể (BMI), số đo vòng ngực trung bình, lực bóp tay thuận và lực bóp tay không thuận, lực kéo thân, huyết áp tâm trương và khoảng chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương…
Sau đó, các ứng viên tiếp tục được kiểm tra về chức năng sinh lí, bệnh, tật. Tiêu chuẩn sức khỏe cho phi công không chấp nhận các trường hợp mắc các bệnh về hệ thần kinh - tâm thần, hệ tim mạch, bệnh máu và cơ quan tạo máu, hệ hô hấp, hệ tai - mũi - họng, thị giác, hệ tiêu hóa, chuyển hóa - dinh dưỡng - nội tiết, các bệnh truyền nhiễm, hệ cơ - xương - khớp…
Với nữ, còn kém theo phần kiểm về sản phụ khoa.
Ông Hoàng Nhật Trường, Giám đốc Khai thác bay và Huấn luyện Vinpearl Air, khẳng định sức khỏe là một trong những điều kiện tiên quyết của nghề cầm tay lái máy bay. Vì thế, các bước kiểm tra diễn ra nghiêm ngặt và cầu kì. Công tác này được thực hiện tại Trung tâm y tế Hàng không Hà Nội và Trung tâm y tế Hàng không TP HCM.
Giám đốc Khai thác bay và Huấn luyện Vinpearl Air Hoàng Nhật Trường tư vấn cho các phụ huynh đến tìm hiểu chương trình học phi công tại buổi tuyển sinh phi công. (Ảnh: Tất Đạt).
Sau khi tổ chức cho ứng viên được kiểm tra về sức khỏe phi công, VinAviation nhận hồ sơ dự tuyển và thông báo cho các học viên đủ điều kiện. Các phi công tương lai của Vinpearl Air phải là người có quốc tịch Việt Nam, nếu có từ 2 quốc tịch trở lên vẫn chấp nhận nếu có quốc tịch Việt Nam trong số đó.
Tiếp đến, các học viên sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh, tối thiểu là TOEIC 600 và IELTS 5.5. Ông Xuân Đức chia sẻ trong buổi tư vấn: "Rào cản lớn nhất của phi công Việt Nam là ngoại ngữ. Đây là điểm mấu chốt các học viên phải bước qua".
Sở dĩ như thế là vì trong quá trình đào tạo, học viên có một năm học tại nước ngoài với giáo trình hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngoài ra, trong môi trường làm việc, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của nhân viên hàng không.
"Dù đang làm việc cho hãng hàng không của Việt Nam, bay trên bầu trời Việt Nam và giao tiếp với đồng nghiệp là người Việt Nam, chúng ta vẫn sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính", ông Đức nói.
Ông Phan Xuân Đức lưu ý với các phụ huynh chăm chút cho con em trau dồi tiếng Anh khi có nguyện vọng tham gia vào ngành hàng không. (Ảnh: Tất Đạt).
Tiếp đó, các học viên sẽ đến với bài thi ADAPT. Đây là bài kiểm tra về kiến thức, kĩ năng về nghề phi công, bao gồm tính phù hợp, sự thích ứng, tố chất và năng khiếu bay.
Chia sẻ tại buổi tư vấn tuyển sinh, ông Xuân Đức cho biết đây là phần khó nhất và có nhiều học viên trượt nhất. Ông giải thích nghề phi công có đặc thù riêng, nếu không có tố chất, năng khiếu và sự thích ứng cần có thì khó có thể làm nghề.
Sau khi vượt qua bài thi ADAPT, học viên đến với bước kiểm tra cuối cùng, là phỏng vấn trực tiếp. Là thành viên của hội đồng phỏng vấn, ông Hoàng Nhật Trường khẳng định chân thật và tự tin là 2 yếu tố mà hãng này tìm kiếm ở phi công. Nếu học viên hội tụ đủ điều này sẽ dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn.
Trong 9 bước thi tuyển, bài kiểm tra ADAPT về tố chất và năng khiếu phi công là bước khó nhất. (Đồ họa: Tất Đạt).
Sau khi vượt qua 6 vòng kiểm, học viên của VinAviation cần ít nhất 26 tháng để có thể trở thành một phi công. Trong một năm đầu, các học viên sẽ được huấn luyện về lí thuyết và bay thực hành tại Australia hoặc Mỹ. Đơn vị đảm nhiệm đào tạo cho Vinpearl Air là Trường cao đẳng Kĩ thuật khoa học hàng không Aviator (ACAST) và Học viện Đào tạo phi công (AAPA).
Hoàn thành khóa học 12 tháng tại nước ngoài, học viên sẽ có được các chứng chỉ quốc tế gồm PPL, CPL và MEIR.
Về Việt Nam, các học viên tiếp tục được huấn luyện để có được các chứng chỉ tiếp theo, gồm: Bằng phi công vận tải hàng không (ATP), Chứng chỉ bay tổ lái nhiều thành viên (MCC) và Làm quen máy bay phản lực (JET FAM).
Sau khi kết thúc khóa huấn luyện phi công cơ bản, học viên có 6 tháng huấn luyện chuyển loại bay tích lũy. Học viên sẽ được bay thử nghiệm 150 giờ, tích lũy kinh nghiệm thực tế và hoàn thành các chứng chỉ như TR, SIM và OJT.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, học viên đã nhận được khoản lương đầu tiên. Đại diện hãng bay của tỉ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ trả 75% lương cho các học viên bay thử nghiệm.
Kết thúc 26 tháng đào tạo, Vinpearl Air cam kết nhận học viên vào làm việc ở vị trí cơ phó. Đối với các học viên có nguyện vọng làm việc tại hãng khác, Tổng giám đốc Phan Xuân Đức khẳng định sẽ không kìm chân, và đây là lựa chọn của các phi công tương lai.