Thiếu cả nghìn phi công, Vinpearl Air, Vietravel, Vietstar Airlines lấy đâu ra phi công khi đã sắp được bay?

Vietstar Airlines đã được cấp phép bay, còn Vinpearl Air và Vietravel Airlines đều chuẩn bị cất cánh vào năm sau, nhưng hiện các dự án đào tạo phi công mới chuẩn bị. Dự báo 5 năm tới, ngành hàng không trong nước thiếu hụt đến 1.225 phi công.

Hầu hết hãng hàng không trong nước sẽ mất khoảng hơn 1 năm chuẩn bị mới được cấp phép bay. Vì vậy, nếu theo đúng lộ trình này, chỉ vài năm nữa, thị trường hàng không Việt Nam sẽ cùng lúc có nhiều tay hãng mới như Vinpearl Air, Vietravel Airlines, KiteAir…giữa lúc hạ tầng bay đang quá tải và khát nhân sự trầm trọng.

Khi nào Vinpearl Air và Vietravel Airlines được bay?

Hàng không là một ngành đặc thù, vì vậy, theo quy định, giấy phép kinh doanh vận tải hàng không phải được Thủ tướng phê duyệt.

flc-1496225595

Vinpearl Air và Vietravel Airlines chuẩn bị cất cánh vào năm sau. (Ảnh minh hoạ).

Quy trình xin phép bay được các hãng gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi dự kiến "đóng đô", tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó lấy ý kiến các bộ, ngành rồi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Sau khi nhận được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải mới cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho các hãng.

Tại Việt Nam, quy trình này từ khi thành lập pháp nhân, dự án đầu tư vận tải hàng không đến đến khi cất cánh của các hãng nhanh nhất thường mất khoảng hơn 1 năm.

Điều này đúng với Bamboo Airways, hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC của tỉ phú Trịnh Văn Quyết vừa có chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm nay.

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) thành lập cuối năm 2017, theo mô hình kết hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Đầu tháng 7/2018, Thủ tướng chính thức cho phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. 4 tháng sau, Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng bay thuộc FLC.

Đầu tháng 1/2019, Cục Hàng không Việt Nam chính thức trao chứng chỉ nhà khai thác bay (AOC) cho Bamboo Airways, đạt điều kiện, tiêu chuẩn trong việc đảm bảo an toàn khai thác và dịch vụ. Chuyến bay thương mại đầu tiên TP HCM - Hà Nội của Bamboo chính thức thực hiện vào ngày 16/1/2019. 

Như vậy, hãng bay này mất hơn 1 năm để được cất cánh.

vietravel-15641099430401706423481-1565492735728867968675

Vietravel Airlines dự kiến cất cánh vào quý II/2020. (Ảnh: Vietravel Airlines).

Hiện 2 hãng bay Vinpearl Air và Vietravel Airlines đang chờ được Thủ tướng đồng ý cấp phép bay. Trong khi đó, Tập đoàn Thiên Minh cũng xin thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, "đại bản doanh" dự kiến đặt tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam).

Nếu theo đúng tiến độ, cả Vietravel Airlines và Vinpearl Air đều sẽ cất cánh vào giữa năm. Hãng bay mới của Thiên Minh sau khi "đứt gánh" với AirAsia cũng sẽ nhận được giấy phép bay sau đó không lâu.

Sắp bay mới rục rịch đào tạo phi công

Để chuẩn bị bay trong năm sau, hiện Vingroup và Vietravel - công ty mẹ của Vinpearl Air và Vietravel Airlines, đều chạy đua vào đào tạo nhân sự cho ngành hàng không, trong bối cảnh thị trường đang rất "khát" phi công.

Ngay sau khi thành lập hãng bay, Tập đoàn Vingroup đã kí thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy - tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới để thành lập Trường đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành hàng không Vinpearl Air, và Trung tâm huấn luyện bay tại Việt Nam.

vinpearl-air-tuyen-sinh-15659482036241039431334-crop-15659482941901224345883-2

Vinpearl Air chính thức công bố tuyển sinh 400 học viên phi công khóa đầu tiên. (Ảnh: Vinpearl Air).

Giữa tháng 8/2019, Vinpearl Air chính thức tuyển sinh với 400 học viên phi công khóa đầu tiên. 

Theo giới thiệu, học viên trúng tuyển sẽ được học và huấn luyện trong các học viện đào tạo hàng đầu thế giới tại Mỹ, Australia và tại Trường đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành hàng không Vinpearl Air, trong thời gian 26 tháng.

Trong khi đó, Vietravel cũng cho biết để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc cất cánh vào quý II/2020 năm sau, dự kiến cuối tháng 8/2019, Vietravel sẽ công bố Khoa hàng không tại Trường cao đẳng quốc tế KENT, cùng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo tiếp viên và 2 lớp đào tạo phi công cho hãng.

Kế hoạch của Vietravel còn phối hợp các tổ chức cung cấp nguồn nhân lực hàng không quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực, đặc biệt phi công, thợ bảo dưỡng tàu bay… 

Như vậy, đến thời điểm này, các dự án đào tạo nhân lực, phi công tại Việt Nam vẫn rục rịch chuẩn bị. Trong khi đó, kế hoạch bay của Vietravel Airlines và  Vinpearl Air đều chỉ đúng 1 năm nữa. 

Thị trường xảy ra tranh giành phi công khi có thêm hãng bay mới?

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, trong một chia sẻ gần đây, cho biết để đào tạo 1 phi công lái chính A320, A321 cần ít nhất 3-4 năm đào tạo cơ bản. Với phi công lái A350, B787, thời gian đào tạo phải kéo dài tới 7-8 năm. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-26 lúc 12

Phi công và kĩ thuật viên ngành hàng không đang thiếu hụt trầm trọng. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Như vậy có thể thấy kế hoạch bay và kế hoạch đào tạo phi công của các hãng bay mới vẫn còn cách quá xa nhau.

Ông Dương Trí Thành lo ngại tình hình ngành hàng không khát nhân lực, trong khi ngày càng có nhiều hãng bay mới. Vietnam Airlines phải đối mặt nguy cơ chảy máu chất xám do các hãng bay này tìm cách kéo phi công bằng mức lương và chính sách phúc lợi hấp dẫn.

Các chuyên gia ước tính, mỗi phi công Việt Nam đang phải bỏ ra khoảng 4 tỉ đồng để hoàn thành khóa học. Mức thu nhập khởi điểm của phi công người Việt khoảng 70-75 triệu đồng/tháng. Như vậy,phi công phải mất gần 6 năm mới có thể hoàn vốn.

"Bị kéo tới 30% một đội bay thì bất hợp lí. Đầu tư cơ sở để đào tạo phi công, kĩ sư bài bản mất rất nhiều thời gian và tiền của. Chúng tôi không thể yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những sự bất ổn, đảo lộn như vậy", Tổng giám đốc Vietnam Airlines nêu ý kiến trước Thủ tướng.

Vấn đề "bị kéo mất 30% đội bay" mà ông Thành nêu trên, đã xảy ra tại Vietnam Airlines kể từ khi thị trường hàng không thêm hãng bay mới. 

Tháng 4, Vietnam Airlines có văn bản báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về việc phi công chuyển sang các hãng khác, trong đó có nhắc đến Bamboo Airways. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định Bamboo không giành giật phi công và việc tìm kiếm phi công là cạnh tranh lành mạnh.

Trong bối cảnh ngàng hàng không đang sôi động, giữa tháng trước, Bộ Giao tông Vận tải đã có báo cáo trình Chính phủ về các vấn đề liên quan ngành hàng không, đặc biệt là sự thiếu hụt phi công, nhân sự chất lượng cao hiện nay của các hãng bay.

anh-chup-man-hinh-2019-08-02-luc-160543-1564738388133694481669-2

Thị phần các hãng bay hiện nay trong việc khai thác các đường bay nội địa. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Bộ cũng thừa nhận hoạt động khai thác của các hãng bay đang bị ảnh hưởng, dẫn đến chậm, huỷ chuyến, do đang có sự chuyển dịch cơ cấu nhân lực giữa các hãng hàng không, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao như phi công, nhân viên kĩ thuật.

Cơ quan này cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phải tiếp tục củng cố các cơ sở đào tạo, huấn luyện đã được Cục Hàng không cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng được chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nhân lực ngành hàng không nhằm khai thác tối đa nguồn lực từ bên ngoài.

Theo dự báo của Cục Hàng không, hiện các các hãng bay trong nước đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực trầm trọng, gồm phi công và cả nhân viên kĩ thuật.

Cụ thể, đến năm 2020, các hãng bay trong nước đang thiếu 14 phi công và 336 nhân viên kĩ thuật. Đến năm 2021 thiếu 258 phi công và 628 kĩ thuật viên.

Giai đoạn 5 năm tới, ngành hàng không cần bổ sung thêm 1.225 phi công và 1.728 nhân viên kĩ thuật.

Thậm chí, nhân lực của Cục Hàng không cũng đang thiếu. Cơ quan này cho biết tới năm 2025 cần bổ sung thêm khoảng 100 giám sát viên an toàn.