Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài có nguy cơ đóng cửa đường băng bất cứ lúc nào

Lãnh đạo ACV cho biết sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, có hiện tượng phụt bùn vào mùa mưa. Nếu không sửa chữa kịp thời, các đường băng của sân bay buộc phải bị đóng cửa bất cứ lúc nào.

Gần đây, các chuyên gia đang lo ngại về tình hình quá tải và xuống cấp của hai cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhất (TP HCM) và Nội Bài (Hà Nội). Sự xuống cấp nghiêm trọng của hai cảng hàng không này không chỉ ảnh hưởng chất lượng, dịch vụ hàng không mà còn đe dọa trực tiếp an toàn, an ninh hàng không.

Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng đường băng tại hai sân bay này đang xuống cấp nghiêm trọng và có thể phải đóng bất cứ lúc nào.

Tân Sơn Nhất chỉ có độc đạo 1 đường băng

Theo thống kê của Tổng công ty quản lí bay Việt Nam (VATM), sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, ngay từ năm 2015, sản lượng hành khách khai thác tại đây đã vượt công suất thiết kế, khi lên đến 26,5 triệu người.

may_bay_7_zing-crop

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng, cùng với chỉ độc đạo 1 đường băng khiến các máy bay phải xếp hàng dài chờ cất cánh. (Ảnh: Zing).

Con số này tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Năm 2018, lượng hành khách tại Tân Sơn Nhất lên đến 38,5 triệu người, gấp 1,5 lần và vượt xa so với công suất thiết kế. 

Hiện trung bình mỗi ngày, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có khoảng 700 chuyến bay. Tổng số chuyến bay được điều phối cất và hạ cánh là 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Trái ngược với lưu lượng hành khách càng tăng, cơ sở hạ tầng tại Tân Sơn Nhất theo VATM lại càng lạc hậu, xuống cấp và "không phù hợp với tình hình mới".

Cụ thể, VATM cho rằng hiện Tân Sơn Nhất chỉ sử dụng được duy nhất 1 đường băng độc đạo dù thực tế có đến 2 đường cất, hạ cánh. Nguyên nhân là 2 đường băng này nằm song song, được xây dựng năm 1967, không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác cất hạ cánh độc lập, theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). 

VATM khẳng định đây là nguyên nhân khiến vào giờ cao điểm, các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải sắp xếp, điều tiết thứ tự của các chuyến bay cất cánh và hạ cánh cho hợp lí, đảm bảo phân cách an toàn giữa các máy bay trên không cũng như dưới mặt đất.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-21 lúc 14

Với công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, Tân Sơn Nhất đã quá tải từ 4 năm trước. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Lãnh đạo Tổng công ty quản lí bay Việt Nam cho biết việc chỉ có 1 đường băng độc đạo và cách sắp xếp bến đỗ trong sân bay lạc hậu khiến việc nhiều máy bay đến cùng một thời điểm buộc phải bay nhiều vòng trước khi bộ phận mặt đất có thể sắp xếp ổn thỏa.

Nội Bài xuống cấp trầm trọng, phụt bùn vào mùa mưa

Trong khi đó, sân bay quốc tế Nội Bài lại đang báo động về tình trạng xuống cấp. 

Ông Vũ Ngọc Kiệm - Phó Giám đốc Cảng hàng không Nội Bài cho biết, bình quân 3 năm gần đây, sản lượng bay tại Nội Bài tăng 11%/năm, có thời điểm số chuyến bay cất hạ cánh lên tới 42 chuyến/giờ, trong khi đó, năng lực khai thác là 37 chuyến/giờ. 

Ông cho rằng tần suất khai thác của các loại tàu bay, đặc biệt là các tàu bay có tải trọng lớn gia tăng dẫn đến hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp, mức độ hư hỏng cũng như mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng.

Cụ thể, hiện bề mặt đường cất hạ cánh 1A đã xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay theo vệt càng. Hai vệt bánh tàu bay mỗi vệt hằn rộng 1 mét. Ngoài ra, trên đường cất hạ cánh này còn có hiện tượng nứt dọc tim kiểu rạn chân chim… 

Vet nut tai duong lan ha canh-2

Vết nứt tại đường cất-hạ cánh CHK quốc tế Nội Bài. (Ảnh: VGP).

Đường cất hạ cánh 1B thường xuyên xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ, phụt bùn. Một số tấm bê tông xi măng có hiện tượng bị lún, cá biệt có những vị trí độ lệch giữa khe 2 tấm bê tông xi măng lên đến 3 cm.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với các đường lăn tại sân bay này. 

Lãnh đạo Cảng hàng không Nội Bài cho hay khu vực đường lăn có kết cấu bê tông nhựa, trên bề mặt các đường lăn nối đoạn tiếp giáp đường cất hạ cánh 11L/29R cũng đã xuất hiện vệt hằn theo vệt càng sau tàu bay. 

Tại một số khu vực dù đã được sửa chữa hồi tháng 8/2018, nhưng đến nay tiếp tục bị hư hỏng trở lại do nền yếu và phùi bùn lên trên bề mặt. Cùng đó, khu vực đường lăn có kết cấu bê tông xi măng thì thường xuyên bị nứt vỡ.

Nguy cơ đóng cửa đường băng bất cứ lúc nào

Tại cuộc họp gần đây về tình hình an toàn, an ninh hàng không, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - ông Vũ Thế Phiệt cho biết đơn vị đang đau đầu về sự xuống cấp của 2 cảng hàng không lớn nhất nước hiện nay.

"ACV chỉ có thể cố gắng duy trì hết mùa mưa 2019, cần thiết phải sửa các đường băng này ngay trong năm 2020 càng sớm càng tốt", ông Phiệt khẳng định.

may_bay_2_zing

Tổng giám đốc ACV cho hay đường băng tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài có thể bị đóng bất cứ lúc nào vì đang bị hư hỏng, xuống cấp. (Ảnh: Zing).

Thực tế, vấn đề này đã được ACV kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải từ vài năm trước. ACV đề xuất cải tạo, nâng cấp đường băng 25R/07L Cảng Tân Sơn Nhất và đường băng 1B sân bay Nội Bài. 

Thời điểm đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho hay cả 2 đường băng đều bị hư hỏng, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ, do khai thác vượt tải. Tại một số vị trí trên đường băng 1B của Nội Bài còn có hiện tượng phụt bùn, đặc biệt vào mùa mưa.

"Cơ chế hiện không cho phép ACV được đầu tư vào khu bay, ngay cả bảo dưỡng, sửa chữa lớn hạ tầng cũng không được. Trong khi đó, nguy cơ mất an toàn do sự xuống cấp rất nghiêm trọng của 2 đường cất hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là rất lớn, không biết sẽ phải đóng cửa, không thể khai thác vì xuống cấp lúc nào", Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho biết.

Vì vậy, theo ACV, nếu việc này xảy ra, việc vận hành, hoạt động, lịch trình của các hãng bay và hành khách sẽ bị đảo lộn.

Trước vướng mắc khu bay thuộc nhà nước quản lí nên ACV không thể dùng vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ cơ chế xã hội hóa đầu tư khu bay thay vì dùng ngân sách. 

Mới đây, tại cuộc họp triển khai công tác an toàn, an ninh hàng không những tháng cuối năm, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu sớm xử lí vướng mắc liên quan hạ tầng khu bay tại các cảng hàng không lớn trên cả nước.