Giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất: Chờ thêm... 3 năm!

3 năm, đó là lý thuyết. Nếu thủ tục suôn sẻ, có nhà đầu tư triển khai ngay, thời gian xây nhà ga T3 mất khoảng 3 năm. Còn phải đấu thầu chọn nhà đầu tư, mất thêm một vài năm nữa. Trường hợp có cơ chế đặc thù, cũng mất 2,5 năm.
 - Ảnh 1.

Khu vực dự kiến xây dựng nhà ga T3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP HCM. (Ảnh: TỰ TRUNG)

Trên thực tế, các dự án xây dựng bên trong như xây mới nhà ga T3 chưa biết khi nào khởi công bởi còn phải vượt qua một rừng thủ tục lòng vòng. Còn bên ngoài, 4 dự án giải tỏa kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) vẫn đang kẹt, chủ yếu ở khâu giải phóng mặt bằng.

Lòng vòng thủ tục

Tháng 8/2018, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó, dự án nhà ga T3 với công suất 20 triệu khách/năm được xem là công trình quan trọng nhất để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm.

Điểm mấu chốt trong việc nâng cấp sân bayTân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm chính là nhà ga hành khách T3 được nghiên cứu xây dựng ở phía nam sân bay hiện nay với công suất 20 triệu khách/năm, tổng mức đầu tư dự toán khoảng 11.659 tỉ đồng.

Đây là một nhà ga để mở rộng của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng quy mô lớn hơn công suất các sân bay hiện tại như: Đà Nẵng công suất 10 triệu hành khách/năm, Cam Ranh công suất khoảng 6,5 triệu hành khách/năm...

Chúng tôi đã nộp kế hoạch đầu tư cho Sở KH-ĐT TP HCM, theo lịch hẹn ngày 11/9 này sẽ trả lời có đồng ý hay không. Với quy trình thủ tục như vậy, biết khi nào mới xong.

Ông ĐỖ TẤT BÌNH

Đến thời điểm hiện nay Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhà ga T3 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Tất Bình - phó tổng giám đốc ACV - cho biết nếu như trước đây, việc mở rộng nhà ga rất đơn giản về quy trình thủ tục, ACV chỉ cần báo cáo Bộ GTVT.

Tùy theo phân cấp dự án, nếu dưới 5.000 tỉ đồng thì bộ thông qua chủ trương; trên 5.000 tỉ đồng, bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xin chủ trương đầu tư.

Nhưng hiện nay, theo Luật đầu tư, với dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, ACV sẽ phải nộp đề xuất đầu tư cho Sở KH-ĐT thuộc UBND TP HCM lấy ý kiến của các sở, ban ngành, địa phương của TP. Nếu sở đồng thuận mới tiếp tục đưa lên Bộ KH-ĐT thẩm định.

Dự án này thuộc dự án nhóm A, phải lập hội đồng thẩm định cấp nhà nước do Bộ KH-ĐT làm thường trực lấy ý kiến của các bộ GTVT, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Quốc phòng... nên không biết khi nào mới xong quy trình thủ tục này.

 - Ảnh 3.

Phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất do Công ty tư vấn độc lập của Pháp ADPI lập - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nói về mặt bằng xây dựng nhà ga, ông Bình cũng cho rằng đang vướng víu, thủ tục nhiêu khê nên có nguy cơ chậm tiến độ, với tình hình này chưa rõ ngày khởi công xây dựng nhà ga T3.

Trước đây quỹ đất 16,37ha của Bộ Quốc phòng, chủ trương đã thống nhất hỗ trợ, di dời sau đó lấy đất giao cho ACV đầu tư. Tuy nhiên, theo Luật đất đai, đất quân đội không có nhu cầu sử dụng nữa phải trả về cho địa phương.

Từ đó địa phương mới giao cho chủ đầu tư nhưng quy trình giao đất phải đấu thầu. Giao được đất là cả quá trình dài.

 - Ảnh 4.

Ùn tắc xe máy chiều 12-8 trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP HCM - Ảnh: NGUYỆT NHI

4 dự án giải cứu kẹt xe chờ mặt bằng

Theo Sở GTVT TP HCM, đến năm 2020, TP sẽ đầu tư 7 dự án giải quyết kẹt xe bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất.

Đến nay sở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 dự án gồm: xây dựng cầu vượt tại giao lộ đường Trường Sơn - Hồng Hà - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (ở cổng sân bay Tân Sơn Nhất), dự án xây cầu vượt nút giao thông Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q.Phú Nhuận, Q.Gò Vấp) và dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận).

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM - cho hay hiện còn 4 dự án đang "án binh bất động", trong đó dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) bị chậm vì vướng giải tỏa đất của Bộ Quốc phòng, nếu đến quý 4/2019 được bàn giao mặt bằng thì đơn vị sẽ khởi công.

Tương tự, dự án mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa (từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long) nhằm mở rộng đoạn thắt cổ chai ở nút giao thông Lăng Cha Cả, nếu Q.Tân Bình bàn giao mặt bằng trong quý 4/2019 sẽ khởi công luôn vì hiện nay đã chọn xong các nhà thầu thi công.

 - Ảnh 5.

Công suất và thực tế khai thác sân bay Tân Sơn Nhất. (Đồ họa: TẤN ĐẠT)

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP đang kiến nghị quận Tân Bình và Tân Phú đẩy nhanh tiến độ giải tỏa mặt bằng dự án nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) và dự án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ).

Đây là 2 dự án nhằm giải quyết kẹt xe nặng nề thuộc khu vực cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến nay các dự án đã hoàn tất công tác khảo sát lập bản vẽ thiết kế thi công đang chờ địa phương bàn giao mặt bằng để giao cho nhà thầu thi công.

Với dự án làm tuyến đường mới nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (Q.Tân Bình) dài 4,3km cho 6 làn xe lưu thông, ông Ninh cho biết dự kiến công trình sẽ thi công trong năm 2020 và hoàn thành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Như vậy, tuyến đường này nằm phía trước nhà ga T3 sân bay Tân Sơn nhất và nằm song song với đường Cộng Hòa sẽ hoàn thành cùng lúc với nhà ga T3 (do ngành hàng không xây dựng) tạo thuận lợi cho hành khách đi và đến nhà ga mới này.

Theo ông Ninh, hiện nay cần phải làm nhiều thủ tục để triển khai xây dựng tuyến đường này, chẳng hạn như phải thông qua HĐND TP về chủ trương đầu tư xây dựng bởi vì trước đó TP chỉ mới chấp thuận thông qua phương án xây dựng tuyến đường mới nhằm giải quyết kẹt xe cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Quy trình phê duyệt nhà ga T3 Tân Sơn Nhất theo Luật đầu tư

capture

Nhà ga hành khách T3 có quy mô công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích khoảng 100.000m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670m2, các hạng mục phụ trợ, nhà xe cao tầng và khu dịch vụ, giao thông kết nối các nhà ga hành khách hiện hữu và nhà ga hành khách T3.

Tổng mức đầu tư là 11.430 tỉ đồng. Hiện Bộ GTVT đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư dự án nhà ga T3 bằng nguồn vốn của ACV.

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản thúc UBND TP HCM, Sở KH-ĐT TP.HCM "sớm có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án để gửi Bộ KH-ĐT thẩm định, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo".

Nhiều việc phải làm

Theo quy hoạch, để sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu khách/năm, khu bay (gồm: đường băng, đường lăn, sân đỗ) của sân bay Tân Sơn Nhất cần bổ sung 56 vị trí đỗ máy bay để có 106 vị trí đỗ; nâng cấp sửa chữa đường băng 25R/07L đang bị xuống cấp;

Bổ sung 3 đường lăn (nối đường băng với đường băng, đường băng với sân đỗ) song song; xây dựng 5 đường lăn thoát nhanh cho đường băng 25R/07L;

Bổ sung các đường lăn nối từ đường băng vào đường lăn song song và sân đỗ máy bay giúp máy bay thoát ly khỏi đường băng 25R/07L vào sân đỗ mà không ảnh hưởng đến hoạt động cất hạ cánh của đường băng 25R/07L...

Khu vực phục vụ mặt đất phải cải tạo nhà ga hành khách T1, T2 hiện tại để đạt tổng công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm, đồng thời xây dựng nhà ga hành khách T3 ở phía nam với công suất 20 triệu hành khách/năm.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm nhà ga hàng hóa, cấp thoát nước, khu bảo dưỡng máy bay, khu cấp nhiên liệu, giao thông kết nối sân bay với thành phố...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.