Cần 5.600 tỉ đồng 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất khỏi tình cảnh quá tải cả trong lẫn ngoài

Qui hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đến 2020 với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm nên hiện nay đang xảy ra quá tải cả trong lẫn ngoài sân bay. Để giải quyết tình trạng này, cần khoản 5.600 tỉ đồng cho 7 dự án giao thông.

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí ngày 9/8, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm chia sẻ về tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng trầm trọng những năm qua.

20160906_171508

Năm 2017, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt 36 triệu, vượt quy hoạch đến năm 2020 gần 1,5 lần. (Ảnh: tư liệu)

Theo đó, qui hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ 25 triệu lượt hành khách/năm đến 2020. Trong khi đó, lượng hành khách năm 2017 đã đạt đến đạt 36 triệu lượt hành khách và mỗi năm mỗi cao hơn khiến cảng hàng không lớn nhất phía Nam lâm vào tình trạng "thất thủ" cả trên bầu trời lẫn mặt đất.

Theo ghi nhận, các tuyến đường chính dẫn vào cảng hàng không duy nhất của TP HCM như đường Cộng Hòa, Hồng Hà, Phạm Văn Đồng, và đặc biệt là Trường Sơn… đều khá rộng nhưng không thể đáp ứng được lượng giao thông rất lớn của khu vực, đặc biệt vào hai khung giờ cao điểm sáng và chiều.

Do đó, Bộ GTVT vừa điều chỉnh quy hoạch sân bay đến năm 2030 khai thác 50 triệu lượt hành khách/năm. Còn để giải quyết tình trạng kẹt xe, nhất là tuyến đường cửa ngõ sân bay là đường Trường Sơn thì cần thực hiện thêm 7 dự án giao thông với tổng kinh phí 5.600 tỉ đồng.

20160901_173120

Tuyến đường Trường Sơn ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. (Ảnh: tư liệu)

Theo ông Lâm, hạ tầng các tuyến giao thông quanh sân bay nếu "cố gắng" khai thác cũng có thể đáp ứng được 40 triệu lượt hành khách/năm nhưng nếu không nâng cấp ngay từ bây giờ thì sắp tới rất khó để đáp ứng tốc độ phát triển ngày càng nhanh của ngành hàng không. Vì vậy, phải tổ chức xây dựng nhà ga T3, hạ tầng giao thông bên ngoài và liên kết các nhà ga bên trong sân bay để phân luồng lượng khách ra-vào sân bay.

Giám đốc Sở GTVT cho biết, TP đang ưu tiên các giải pháp xử lý tình hình giao thông bên ngoài sân bay, đặc biệt là sự cần thiết của tuyến đường song hành với đường Cộng Hòa hiện hữu đang ùn tắc nghiêm trọng hàng ngày. 

 "Tuyến đường này kết nối đường Phan Thúc Duyệt, song song với đường Cộng Hòa đến Trường Chinh. Đường này có quy mô từ 6-8 làn xe, sẽ kết nối toàn nhà ga T3", ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, TP sẽ đầu tư mở rộng các tuyến đường xung quanh như Tân Kỳ Tân Qúy, Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Sơn… cũng như tổ chức lại giao thông kết nối cho đồng bộ.

TP HCM đã thành lập tổ công tác liên ngành với Bộ quốc phòng, Bộ GTVT cùng điều phối dự án nhà ga T3 và những dự án giao thông phía ngoài để đảm bảo sự động bộ khi nhà ga T3 được đưa vào khai thác.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thuộc UBND TP HCM nhận định, hiện nay dự án trọng tâm là tuyến đường dài 4 km song hành với đường Cộng Hòa sẽ được triển khai thi công vào năm 2020 và hoàn thành vào năm sau.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.