"Taxi công nghệ" có thể không phải gắn mào như taxi truyền thống. (Ảnh: Di Linh).
Theo thông tin chúng tôi nhận được, tại bản trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT đã bỏ việc gắn mào với "XE HỢP ĐỒNG".
Cụ thể, tại Điều 7 dự thảo Nghị định nêu rõ việc xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết các thông tin khác trên xe theo quy định.
Ngoài ra, loại hình này phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" trên kính phía trước và kính phía sau xe theo qui định; kích thước tối thiểu của cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" là 06 x 20 cm; cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" phải được làm bằng vật liệu phản quang.
Tại các bản dự thảo trước, Điều 7 nêu rõ: "Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ "XE HỢP ĐỒNG" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.
Như vậy, tại dự thảo mới nhất, "taxi công nghệ" sẽ phải dán cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" thay vì gắn mào.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề gắn mào "taxi công nghệ", đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết "việc buộc xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải gắn hộp đèn trên nóc xe... là kết quả của cả một quá trình với rất nhiều đơn vị nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến".
"Chúng tôi đồng ý với chủ trương ứng dụng công nghệ vào quản lí. Tuy nhiên, việc quản lí bằng công nghệ cần thời gian và các vấn đề về nền tảng.
Do đó, khi chưa triển khai được công nghệ quản lí thì đề nghị lắp hộp đèn với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ", đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội nói.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc gắn mào giúp phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân, đặc biệt cần thiết không những đối với cơ quan quản lí nhà nước mà đối với cả khách hàng.
"Thực tế cho thấy nếu gắn mào thì sự ngăn chặn vi phạm giao thông sẽ kịp thời; hạn chế ùn tắc giao thông và việc phát huy giám sát, phê phán của cộng động, người tham gia giao thông đối với xe vi phạm tốt hơn.
Xét từ góc độ công nghệ và thực tế, chúng tôi không thấy có cơ sở khi cho rằng các phương tiện khi gắn mào sẽ ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ, gây cản trở hoạt động doanh nghiệp", đại diện Hiệp hội nói.
Không gắn mào, "taxi công nghệ" khó nhận diện? (Ảnh: Di Linh)
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề gắn mào, anh Hoàng Văn Ý (Nam Định, tài xế taxi truyền thống) đặt câu hỏi liệu gắn cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" phản quang có nhận diện được xe kinh doanh hay không?
"Chúng tôi chạy taxi truyền thống, trên xe in logo hãng, gắn mào TAXI, khi vi phạm (đi vào phố cấm - PV) dễ dàng bị phát hiện, xử lí.
Còn taxi công nghệ, nếu chỉ gắn phù hiệu và logo thì có thể bị che đi hay không? Việc che mấy chữ dán trên xe dễ hơn che hộp đèn", anh Ý nói.
Đồng quan điểm, anh Lê Quang Vinh, một tài xế taxi cũng cho rằng việc gắn mào trên xe hợp đồng không chỉ để cơ quan chức năng dễ phát hiện vi phạm mà hành khách cũng dễ nhận diện.
"Dán chữ phản quang trên kính xe cũng chưa chắc giúp cơ quan chức năng xử lí vi phạm tốt hơn. Trong khi đó, nếu có hộp đèn, cả cơ quan chức năng và hành khách đều có thể nhận diện", anh Vinh cho biết thêm.