2018 là năm Vietnam Airlines đạt doanh thu kỉ lục, với gần 99.000 tỉ đồng. Năm nay, hãng hàng không quốc gia đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, mua mới nhiều máy bay và đánh giá một trong những thách thức là sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất cùng sự gia nhập của nhiều hãng hàng không mới.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đặt mục tiêu năm 2019 sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2018, dù điều kiện kinh doanh của ngành hàng không được cho là không mấy khả quan.
Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất hơn 111.000 tỉ đồng năm 2019, tăng gần 15% so với năm ngoái. (Ảnh: VNA).
Cụ thể, trong tờ trình Đại hội đồng cổ đông sắp tổ chức, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 111.000 tỉ đồng, tăng gần 15% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.680 tỉ đồng, tăng 5,8%.
Năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 98.950 tỉ. Theo doanh nghiệp, đây là mức doanh thu kỉ lục trong suốt 25 năm hoạt động.
Hãng hàng không quốc gia đặt ra mục tiêu năm 2019 là nắm 55% thị phần hàng không trong nước, với số lượng khách vận chuyển đạt 25 triệu lượt. Số lượng hàng hóa luân chuyển tăng 9,3%, tổng kinh phí đầu tư gần 5.420 tỉ đồng.
Những con số về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận và tham vọng này hãng hàng không quốc gia Việt Nam đặt ra trong bối cảnh ngành hàng không không mấy thuận lợi. Theo nhận định của chính Vietnam Airlines, năm 2019, thị trường hàng không quốc tế dự kiến tăng trưởng 12%, thị trường nội địa tăng trưởng 16,3% so với cùng kì. Đặc biệt, phân khúc hàng không giá rẻ có dấu hiệu bão hoà sau một giai đoạn tăng trưởng nóng.
Doanh nghiệp khẳng định năm nay sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như những bất ổn về kinh tế, chính trị, giá nhiên liệu tăng cao, khoảng 85 USD/thùng. Đặc biệt là cạnh tranh tiếp tục gia tăng, do có sự gia nhập của hãng hàng không mới.
Hãng khẳng định tập trung nguồn lực nắm giữ thị phần khách hàng mục tiêu và các thị trường trọng điểm, chủ động nguồn nhân lực, đặc biệt là phi công, để đáp ứng nhu cầu khai thác.
Hiện mạng đường bay quốc tế do hãng trực tiếp khai thác gồm 54 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại thị trường nội địa, hãng khai thác tất cả chuyến đi đến các sân, đồng thời tăng cường chuyến đến các đường bay mới này.
Một quan ngại mà hãng hàng không 4 sao Vietnam Airlines đưa ra là tình trạng quá tải tại các sân bay, đặc biệt là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM).
Cuối năm 2018, Vietnam Airlines đang khai thác 93 máy bay, gồm thuê là 39 chiếc, và sở hữu 54 chiếc. (Đồ hoạ: Phúc Huy).
Vietnam Airlines tính toán đến cuối năm nay sẽ có 112 máy bay, nhờ bổ sung thêm 22 máy bay mới và thay thế 3 chiếc đang thuê.
Ở thời điểm cuối năm 2018, Vietnam Airlines Group sở hữu 110 máy bay, trong đó Vietnam Airlines khai thác 93 máy bay. Tổng số máy bay do hãng thuê là 39 chiếc, 54 máy bay còn lại thuộc quyền sở hữu của Vietnam Airlines.Chiếm nhiều nhất trong đội bay của Vietnam Airlines là 58 chiếc A321. Tiếp đến là A350 với 12 chiếc, B787 có 11 chiếc, ATR72 có 7 chiếc, 5 máy bay còn lại thuộc dòng 321 NEO và A330.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ đầu tư 50 máy bay thân hẹp và các máy bay phản lực khu vực (Regional Jet). Đội bay mới sẽ thay thế dần các máy bay cũ hiện nay.
Phương thức đầu tư đội bay sẽ kết hợp giữa phương thức mua/thuê mua và thuê lại (SLB), trong đó việc mua theo hình thức mua/thuê mua tối đa không quá 50% máy bay của dự án. Tổng mức đầu tư dự kiến cho việc mua 50 máy bay và 10 động cơ dự phòng giai đoạn khoảng 3,63 tỉ USD.
Tình trạng quá tải tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong những quan ngại của hãng hàng không quốc gia. (Ảnh: VOV).
Định hướng đến 2030, nhu cầu đội bay là 156-223 chiếc, trong đó đội bay thân rộng là 40-46 chiếc, đội thân hẹp là 110-157 chiếc và máy bay phản lực khu vực là 6-20 chiếc.
Chiến lược phát triển đội bay được xác định theo định hướng lựa chọn các dòng máy bay chở khách công nghệ mới, hiện đại, đơn giản về cấu trúc và chủng loại, phù hợp với nhu cầu thị trường, hạ tầng hàng không và đáp ứng tốt hiệu quả khai thác.
Sáng 7/5, hơn 1,4 tỉ cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, có phiên giao dịch đầu tiên tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) khi chuyển từ sàn UPCoM. Trước đó, ngày 11/4, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã chấp thuận niêm yết 1.418.290.847 cổ phiếu HVN với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết hơn 14.128 tỉ đồng.
Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá tham chiếu của cổ phiếu HVN là 40.600 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động ±20%. Giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines ước đạt 57.000 tỉ đồng, tương đương 2,5 tỉ USD. Hãng hàng không quốc gia đã chính thức gia nhập câu lạc bộ tỉ USD của HoSE, đồng thời là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn này từ đầu năm đến nay.
HVN là một trong những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất và nằm trong nhóm 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong hơn 2 năm niêm yết tại đây. Trung bình, mỗi phiên có hơn 800.000 cổ phiếu giao dịch, tương đương giá trị giao dịch khoảng 30,6 tỉ đồng.
Kết thúc quý I/2019, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt gần 26.000 tỉ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của công ty hơn 1.500 tỉ đồng, đạt 45% kế hoạch cả năm.
Công ty mẹ đạt 19.346 tỉ đồng doanh thu, tăng 5,5% so với cùng kì và 1.224 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36,6% so với cùng kì.