Ồ ạt lập hãng hàng không mới: Trong 2 ngày, 3 hãng hàng không cùng xuất hiện

Vinpearl Air, Vietravel Airlines đang chờ Thủ tướng cấp phép bay, 1 hãng mới mang tên Cánh Diều xin được thành lập. Trong bối cảnh các hãng bay ồ ạt chuẩn bị ra đời và cất cánh thì Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang bị khuyến cáo có thể đóng cửa đường băng bất cứ lúc nào vì xuống cấp trầm trọng.

Chưa bao giờ "cuộc chiến" trên bầu trời, giành giật thị phần của các hãng hàng không trong nước lại trở nên sôi động và được nhắc đến nhiều nhất trong năm nay.

Nếu trong nhiều năm, thị trường hàng không Việt Nam chỉ có những tên tuổi quen thuộc là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, thì chỉ ngay trong tháng này, một loạt hãng hàng không của các "ông lớn" đã nhận được cái gật đầu của Cục Hàng không và đang chờ cấp phép bay. 

Trong 2 ngày, 3 hãng hàng không cùng xuất hiện

Ngày 21/8, dự án thành lập hãng bay Vinpearl Air thuộc Tập đoàn Vingroup được Cục Hàng không Việt Nam báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải.

vinpearl-air-tuyen-sinh-15659482036241039431334-crop-15659482941901224345883

Vinpearl Air đang gấp rút tuyển học viên phi công chuyên nghiệp, chuẩn bị cất cánh vào tháng 7/2019. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Dự án thành lập hãng hàng không của tỉ phú Phạm Nhật Vượng có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ.

Dự kiến, Vinpearl Air sẽ khai thác các loại máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing B737 và máy bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing 787. Đến năm 2025, mạng lưới đường bay của Vinpearl Air dự kiến khai thác lên tới 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.

Nếu đúng dự tính và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng, Vinpearl Air sẽ cất cánh ngay từ tháng 7/2020 và khai thác cả đường bay nội địa lẫn quốc tế. Hãng bay này sẽ khởi đầu với đội máy bay gồm khoảng 6 chiếc. Sau đó mỗi năm, Vinpearl Air đưa thêm khoảng 6 tàu bay vào khai thác, nâng tổng số tàu bay lên 36 chiếc vào năm 2025.

Ngay lập tức một ngày sau (22/8), đại diện Công ty CP Du lịch và tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel, cũng cho biết hãng bay Vietravel Airlines của công ty vừa được Cục Hàng không thẩm định, trình báo cáo với Bộ Giao thông vận tải.

Cục Hàng không cho biết dự án thành lập hãng hàng không này của Vietravel đủ điều kiện để Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mô hình hoạt động dự kiến của Vietraval Airlines là hãng hàng không bay thuê chuyến (charter), thường được sử dụng trong hoạt động du lịch, lữ hành.

tpc-15628328181891254854663

Thiên Minh đã gửi hồ sơ thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam. (Ảnh: TMG).

Năm đầu tiên, hãng bay của Vietravel dự kiến khai thác 3 tàu bay Airbus 320/321 hoặc B737 hoặc tương đương. Đến năm thứ năm sẽ nâng tổng số tàu bay khai thác lên 8 chiếc.

Đại diện Vietravel cho biết hãng chọn sân bay Phú Bài (Huế) làm sân bay căn cứ và nếu được Thủ tướng đồng ý, Vietravel Airlines sẽ cất cánh ngay trong quý II/2019, tức sớm hơn cả hãng bay của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.

Cùng ngày 22/8, Tập đoàn Thiên Minh cũng công bố đã gửi hồ sơ thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam.

Thiên Minh muốn lập hãng hàng không tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam) trong thời gian 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực.

 Về quy mô dự án, Thiên Minh đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024, trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321, hoặc tương đương.

Thị trường hàng không lớn nhưng phải thận trọng

Việc các "ông lớn" tranh nhau thành lập hãng hàng không, thậm chí tranh nhau về thời điểm cất cánh và quy mô dự án, được xem là điều dễ hiểu, bởi theo các chuyên gia, thị trường hàng không Việt Nam vẫn đang rất tiềm năng, thuộc top thị trường có tốc độ tăng trưởng bậc nhất thế giới.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-25 lúc 11

Lãi trước thuế của Vietjet thường xuyên cao hơn Vietnam Airlines. (Đồ hoạ: Phúc Minh)

Báo cáo của Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI) cho biết Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016-2040. 

Còn theo Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam đang phát triển nhanh thứ 5 thế giới, chỉ đứng sau sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia. 

Sản lượng vận chuyển hành khách vào năm 2035, được dự báo lên đến 150 triệu lượt người.

Năm 2019, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị quản lí 22 sân bay trên cả nước, dự kiến sẽ phục vụ tới 112,5 triệu lượt hành khách thông qua toàn mạng cảng, tăng 8% so với năm 2018.

Thị trường quá lớn, trong khi hiện Việt Nam chỉ mới có 5 hãng bay: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. Trong tháng 7, có 1 hãng mới được cấp phép bay, tập trung vào các chuyến bay VIP, là Vietstar Airlines. 

anh-chup-man-hinh-2019-08-02-luc-160543-1564738388133694481669-2

Nếu không hợp nhất Vietnam Airlines, Jetstar và VASCO thì Vietjet Air đang dẫn đầu thị trường hàng không nội địa. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Về "miếng bánh" thị phần nội địa, tính sơ bộ đến tháng 6, nhóm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO đang nắm khoảng 51%, Vietjet khoảng 41,3%. Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC dù mới cất cánh từ đầu năm nhưng đã nắm trong tay khoảng 7% thị phần. Những con số này thay đổi so với đầu năm, phần nào cho thấy cuộc đua giành thị phần giữa các hãng đang rất gay gắt.

Thị phần còn quá tập trung vào một ít tên tuổi là nguyên nhân khiến Vingroup, Vietravel và Thiên Minh  muốn chia sớt.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kĩ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa TP HCM, các hãng đua nhau tranh giành thị trường hàng không nhưng không nên lao vào cùng một phân khúc, giẫm chân lên nhau. Đơn cử là phân khúc giá rẻ thời gian qua được rất nhiều hãng chú ý, từ kinh nghiệm và thành công của Vietjet Air.

Ông Tống cho rằng điều này không giúp ích cho sự tăng trưởng từng hãng mà còn có thể gây thiệt hại cho xã hội. Thay vì vậy, các hãng bay mới có thể nhắm vào thị trường ngách để phục vụ khách hàng.

Tân Sơn Nhất, Nội Bài có nguy cơ đóng đường băng bất cứ lúc nào

Thời gian qua, các chuyên gia và bộ phận quản lí hàng không liên tục cảnh báo sự quá tải, xuống cấp của các sân bay, đặc biệt là 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định khách hàng sẽ có lợi hơn khi có nhiều hãng bay để chọn, tuy nhiên, hạ tầng hàng không đang rất quá tải và ảnh hưởng nhiều vấn đề an toàn, an ninh và cả an ninh quốc phòng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-25 lúc 11

Sản lượng hành khách tại Tân Sơn Nhất đã vượt công suất thiết kế từ năm 2015. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Ông Tống lấy ví dụ về Tân Sơn Nhất, hiện đã không đủ điều kiện cho phép cất, hạ cánh nhiều hơn trong giờ cao điểm. Tân Sơn Nhất chỉ có công suất thiết kế chỉ 25 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên ngay từ năm 2015, sản lượng hành khách khai thác tại đây đã vượt công suất thiết kế, khi lên đến 26,5 triệu người. 

Năm 2018, con số này lên đến 38,5 triệu người, gấp 1,5 lần và vượt xa so với công suất thiết kế. 

Tổng công ty quản lí bay Việt Nam (VATM) cho rằng cách thiết kế của Tân Sơn Nhất hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình mới, khi chỉ có độc đạo một đường băng cất và hạ cánh. Các bến đỗ và đường lăn tại sân bay được thiết kế theo hình xương cá, buộc việc sắp xếp tàu bay khó khăn, mất nhiều thời gian. 

VATM cũng cho biết diện tích Tân Sơn Nhất chỉ còn khoảng 1/4 đến 1/5 so với thời điểm năm 1975, do đô thị hóa càng khiến sân bay ngày càng bị thu hẹp.

Vì nguyên nhân này mà vào giờ cao điểm, các chuyến bay đều phải xếp hàng dài chờ cất hạ cánh hoặc có hiện tượng máy bay phải bay nhiều vòng trước hạ cánh, bởi bộ phận mặt đất phải sắp xếp, điều tiết ổn thỏa.

may_bay_2_zing

Hạ tầng tại Tân Sơn Nhất đang quá tải khiến các máy bay phải nối đuôi chờ cất cánh. (Ảnh: Zing).

Trong khi đó tại Nội Bài, hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp, mức độ hư hỏng cũng như mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng, do tần suất khai thác quá cao, đặc biệt là các tàu bay có tải trọng lớn.

Hiện bề mặt đường cất hạ cánh 1A tại Nội Bài đã xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay theo vệt càng. Hai vệt bánh tàu bay mỗi vệt hằn rộng 1 mét. Ngoài ra, trên đường cất hạ cánh này còn có hiện tượng nứt dọc tim kiểu rạn chân chim, và có hiện tượng phụt bùn vào mùa mưa.

"Cơ chế hiện không cho phép ACV được đầu tư vào khu bay, ngay cả bảo dưỡng, sửa chữa lớn hạ tầng cũng không được. Trong khi đó, nguy cơ mất an toàn do sự xuống cấp rất nghiêm trọng của 2 đường cất hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là rất lớn, không biết sẽ phải đóng cửa, không thể khai thác vì xuống cấp lúc nào", Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết tại một cuộc họp gần đây về tình hình quá tải của các sân bay.

Ông cho rằng cần phải sửa ngay các đường băng này càng sớm càng tốt, ngay trong năm 2020, nếu không đơn vị này chỉ có thể cố gắng duy trì hết mùa mưa năm nay.

 Việc này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến khách hàng mà việc vận hành, hoạt động, lịch trình của các hãng bay sẽ bị đảo lộn, chưa tính đến việc các hãng bay mới đang xếp hàng dài chờ cất cánh.