Trung Quốc thiếu container rỗng

Theo hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc HMM Co., tình trạng thiếu container rỗng có thể sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm nay.

Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc gần đây đã tăng mạnh đến mức tạo ra sự thiếu hụt container và tăng chi phí vận chuyển, có khả năng cản trở xuất khẩu của quốc gia này trong những tháng tới, Bloomberg cho biết. 

Sau giai đoạn giảm tốc, kể từ tháng 7/2020, xuất khẩu của Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi các hoạt động mua, bán liên quan đến đại dịch như khẩu trang y tế và thiết bị làm việc tại nhà, bao gồm máy tính. 

Nhập khẩu đã không tăng với tốc độ gần như tương ứng dẫn đến việc thiếu các container rỗng vận chuyển trở lại Trung Quốc.

Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles đã tăng gần gấp đôi từ đầu tháng 6/2020, trong khi giá gửi một container hàng đến Rotterdam (Hà Lan) hiện cao hơn bốn lần.

Trung Quốc thiếu container rỗng - Ảnh 1.

Nguồn: Drewry Wold Container Indedx/Bloomberg (H.K Việt hoá)

Serena Zhou, một nhà phân tích tại Mizuho Financial Group nhận định: "Giá tăng cao đối với các chuyến hàng xuất đi của Trung Quốc do thiếu năng lực vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, mặc dù nhu cầu bên ngoài phục hồi nhờ vào mùa lễ và việc đóng cửa nhà máy trên khắp châu Âu".

Sự thiếu hụt container rỗng như một lực hãm đối với xuất khẩu trong tháng 12. Sự tắc nghẽn cũng có thể trở nên tồi tệ hơn khi các nhà xuất khẩu trả giá vận chuyển cao hơn cho các đơn hàng trước khi nghỉ Tết Âm lịch đầu tháng 2.

Tình trạng thiếu hụt container đang được cảm nhận trên khắp châu Á. Theo một báo cáo vào giữa tháng 12/2020 từ cơ quan xúc tiến thương mại của Nhật Bản cho biết giá cước vận chuyển tăng vọt và tình trạng thiếu container ở Đông Nam Á và Ấn Độ.

Hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc HMM Co. nhận định rằng tình trạng thiếu container rỗng và chỗ trống trên tàu biển có thể sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2021. Công ty đã bổ sung thêm tàu đến các tuyến đường của Mỹ để giúp các công ty Hàn Quốc vận chuyển hàng hóa và sẽ bổ sung thêm tàu đến châu Âu vào cuối tháng này.

Theo một báo cáo từ các nhà phân tích Lee Klaskow và Adam Roszkowski của Bloomberg Intelligence cho biết lượng container hạn chế, tình trạng tắc nghẽn ở cảng và sự phục hồi kinh tế toàn cầu vào năm 2021 sẽ làm chi phí vận tải quý I/2021 cao hơn mức năm 2020. 

Trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CTCP Phúc Sinh, đơn vị nắm khoảng 10% thị phần xuất khẩu trong nước và khoảng 6% thị phần hồ tiêu trên thế giới chia sẻ: "Chưa bao giờ Phúc Sinh xuất hàng ít như thời điểm này, bình thường công ty xuất ít nhất 40 container/ngày nhưng giờ xuất chỉ khoảng 3 container/ngày.

Thời điểm hiện tại, đang vào vụ tiêu và cà phê nhưng tình trạng container rỗng khan hiếm khiến doanh nghiệp không thể xuất hàng được, ông Thông nói thêm. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi lên Thủ tướng Chính phủ dự báo, tình trạng thiếu tàu biển và thiếu container có thể kéo dài đến tháng 2 - 3/2021.

Thậm chí việc dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, vẫn tiếp tục lây lan trên thế giới nhiều khả năng tình trạng này còn kéo dài hơn.

Do đó, VASEP khuyến cáo trước tình hình căng thẳng trên, doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cần lên kế hoạch và kịch bản ứng phó nhằm hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giảm thiểu tối đa sụt giảm xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp và tổng kim ngạch của toàn ngành trong thời gian tới.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.