Từ tháng 8, điều chuyển vốn từ những nơi không giải ngân được vốn đầu tư công

Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân vốn đầu tư công được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.
Thủ tướng yêu cầu từ tháng 8 sẽ thực hiện điều chuyển vốn - Ảnh 1.

Thủ tướng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công là một cứu cánh, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của Covid-19. (Ảnh: VGP).

Tiếp tục Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công là một cứu cánh, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm gần 160.000 tỉ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, cùng kì đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao. 

Mặc dù số vốn giải ngân tăng so với cùng kì năm 2019, song số liệu cho thấy tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. 

Cụ thể, có ba bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%, 33 bộ, cơ quan Trung ương và ba địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 5%.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỉ đồng/8.970 tỉ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%.

Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân khoảng 690 tỉ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là hơn 1.827 tỉ đồng, đạt trên 10% kế hoạch được giao.

Về dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đã được Bộ GTVT giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 là 932 tỉ đồng. Dự kiến đến ngày 20/8 tới sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và kí kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế.

“Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng năm 2020 cơ bản tương tự như các năm trước, tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm”, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết.

Cũng tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2020 phải giải ngân khoảng 28 tỉ USD, tương đương trên 630.000 tỉ đồng. Trong đó, địa phương chiếm gần 80%, còn lại là các bộ, ngành. 

Tuy nhiên, kết quả là số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là hơn 27.000 tỉ đồng, chiếm gần 6% kế hoạch. Trong giải ngân thì giải ngân vốn ODA là chậm nhất. Mặc dù giải ngân năm nay cao hơn mấy năm trước, tăng 9% so với cùng kì, nhưng tình trạng trì trệ vẫn xảy ra. 

Thủ tướng yêu cầu từ tháng 8 sẽ thực hiện điều chuyển vốn - Ảnh 2.

Quang cảnh của buổi họp giao ban của Thủ tướng với các bộ, ngành. (Ảnh: VGP).

Bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đồng thời cũng chỉ đạo các địa phương cũng phải tập trung hỗ trợ cho đầu tư xã hội, trước hết là đầu tư tư nhân và vốn FDI để thúc đẩy tăng trưởng.

Từ tháng 8 sẽ thực hiện điều chuyển vốn

Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình, gửi và báo cáo cho Thủ tưởng hai tuần một lần về tình hình giải ngân. 

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và sẽ xử lí nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.

Về vấn đề thủ tục, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương phải tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai, minh bạch. 

“Tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, tới Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì bao nhiêu ngày phải giải quyết xong, chứ không để tình trạng là hồ sơ ngâm quá một tuần”.

Bên cạnh công khai, minh bạch, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.