Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa công bố phương án chính thức cho kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo sư phạm năm 2018, nhưng nhiều trường đại học đã thông báo phương án tuyển sinh. Một số trường dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển mới và những ngành học mới, để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề.
Thí sinh không nên thay đổi nguyện vọng trong ngày cuối cùng xét tuyển đại học (ảnh minh họa). |
Phương án tuyển sinh dự kiến của các trường đại học hầu như không có nhiều thay đổi so với năm 2017 cả về phương thức xét tuyển, chỉ tiêu xét tuyển. Cụ thể, về phương thức xét tuyển, hầu hết các trường đều xét tuyển theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển theo kết quả học tập 3 năm ở bậc phổ thông trung học, hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển...
Tuy nhiên, một số trường mạnh dạn đưa ra phương thức xét tuyển mới, như Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển đối với những thí sinh có chứng chỉ quốc tế Cambridge International Examinations A-Level; kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ); Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh; Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh qua 2 bước xét tuyển và kiểm tra năng lực... Bên cạnh đó, một số trường cũng công bố rõ đối tượng được xét tuyển thẳng.
Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường giữ nguyên chỉ tiêu xét tuyển như năm 2017, nhưng có điều chỉnh chỉ tiêu ở một số ngành: “Phương thức tuyển sinh của trường vẫn giữ nguyên tắc xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Trường sẽ cân nhắc gia tăng thêm một chút số chỉ tiêu các ngành lĩnh vực công nghệ thông tin, còn các ngành khác thì chỉ tiêu giữ ổn định như năm trước. Tuy nhiên, có sự điều chỉnh các chỉ tiêu.
Trên cơ sở là đánh giá tổng thể về nhân lực đào tạo và nhu cầu của xã hội thông qua việc sinh viên ra trường có việc làm thì có thể điều chỉnh chỉ tiêu giữa các Viện. Chỉ tiêu một số ngành ít sẽ được bổ sung thêm như ngành Khoa học kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật nhiệt sẽ có thể điều chỉnh và gia tăng thêm”.
Đáng chú ý, nhiều trường đại học đã mở thêm các ngành đào tạo mới và xây dựng tổ hợp xét tuyển mới dựa trên các môn thi quốc gia, như: Trường Đại học Giao thông vận tải mở thêm 4 ngành học mới và có thêm tổ hợp xét tuyển D7 gồm các môn Toán- Hóa, Anh. Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM bổ sung 4 tổ hợp môn xét tuyển mới. Trường đại học Kiến trúc TP HCM tuyển sinh thêm 2 ngành mới là Mỹ thuật đô thị và quản lý xây dựng.
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM sẽ tuyển sinh thêm 6 ngành mới... Tuy nhiên, do Bộ GD-ĐT chưa ban hành Thông tư về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nên các trường đều đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh tương đương năm 2017.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo đại học và Sau đại học, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ: “Năm 2018, về mặt quy mô vẫn như năm 2017, tức là tổng quy mô toàn trường là 3.700 sinh viên. Tuy nhiên, về số ngành chúng tôi có tăng thêm 4 ngành so với năm 2017, là Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ sinh học.
Thực tế qua khảo sát thấy nhu cầu xã hội rất cần kỹ sư 4 ngành này. Những ngành mới mở dự kiến 1 lớp 70 sinh viên. Chúng tôi đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu một số ngành truyền thống chuyển chỉ tiêu đó cho những ngành mở mới. Về tổ hợp, chúng tôi thêm 1 tổ hợp là D00, tức là Toán, Văn, Ngoại ngữ”
Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ đại học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, hiện nay có 366 ngành đào tạo, tăng thêm 105 ngành so với danh mục được ban hành năm 2010.
Căn cứ vào danh mục ngành đào tạo này, các trường đã xây dựng và mở thêm ngành mới trong mùa tuyển sinh năm nay, đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển. Trong số những trường mở thêm ngành đào tạo mới, nhiều chuyên gia dự báo, trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành về công nghệ thông tin và logistics sẽ có cơ hội việc làm lớn trong những năm tới.
Thực tế, ở một số trường đại học đã có môn học về logistics, nhưng đây là năm đầu tiên các trường đại học mở ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Hiện nay, trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải mở ngành Logistics và Vận tải đa phương thức, Trường Đại học Ngoại thương mở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, hiện nay nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp đối với lĩnh vực này rất lớn, nên trường quyết định mở ngành đào tạo riêng: “Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nội dung rất là rộng, cho nên cơ hội nghề nghiệp cũng rất nhiều.
Cơ hội nghề nghiệp không chỉ giới hạn ở các cơ quan doanh nghiệp mà còn ở các cơ quan, bộ, ngành. Ngoài các vị trí việc làm truyền thống như chuyên viên xuất nhập khẩu, kinh doanh, vận tải giao nhận ngoại thương.... thì còn những việc làm rất mới, xuất hiện trong thời gian gần đây ví dụ như: quản lý giao hàng chặng cuối, phụ trách chuỗi cung ứng, chuyên gia phụ trách tối ưu hóa của doanh nghiệp...
Với năm đầu tiên tuyển sinh thành một chuyên ngành riêng biệt như thế này thì nhà trường đưa ra một chỉ tiêu cũng không nhiều, tức là 50 chỉ tiêu ở phía Bắc và 50 chỉ tiêu ở phía Nam”.
Hiện nay, các trường đại học đang đang chờ Thông tư của Bộ GD-ĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo sư phạm năm 2018, để từ đó xây dựng đề án tuyển sinh chính thức. Đề án tuyển sinh chính thức của các trường sẽ được công bố trên trang web của từng trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018.