Hiện trường vụ tai nạn tối 21/10 do tài xế say xỉn làm 1 người chết, 5 người bị thương |
Nguyên nhân chính do rượu bia
Ngày 23/10, công an quận Bình Thạnh, TPHCM đang tạm giữ bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12, TPHCM) để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Bà Nga là người điều khiển chiếc xe ô tô hiệu BMW gây tai nạn khiến 1 người chết, 5 người bị thương (trong đó 2 người đang trong tình trạng nguy kịch) khi bà đang trong tình trạng say xỉn tối 21/10.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 23h15 tối 21/10, sau khi dự tiệc tại một nhà hàng ở quận 1 (có sử dụng bia rượu), bà Nga điều khiển ô tô mang biển số 51F-279.10 lưu thông trên đường Điện Biên Phủ về nhà ở quận Bình Thạnh. Đến ngã tư Hàng Xanh, chiếc xe của bà Nga tông liên hoàn vào 5 chiếc xe máy đang dừng đèn đỏ rồi kéo lê nạn nhân hàng chục mét, sau đó tông vào hông chiếc taxi mới dừng lại.
Tai nạn khiến chị Nguyễn Thị Kim Phụng (SN 1980, ngụ tỉnh Đồng Nai) tử vong tại chỗ. Ngoài ra, anh Cao Tấn Tài (SN 1995, ngụ TPHCM) bị chấn thương sọ não, vẫn đang hôn mê, phải thở máy và tiên lượng xấu. Anh Phan Huy Bình bị gãy 1/3 xương đùi bên trái được phẫu thuật cấp cứu; còn một nạn nhân tên Định bị chấn thương sọ não, cột sống, gãy xương chân trái… Hai người khác bị thương nhẹ đã được xuất viện.
Sau khi gây tai nạn, bà Nga cố thủ trong xe đến khi lực lượng CSGT đến mới chịu ra ngoài. Qua kiểm tra, trong hơi thở bà Nga có nồng độ cồn lên đến 0,94 miligam/lít khí thở, trong khi theo quy định, tài xế lái ô tô tuyệt đối không được có nồng độ cồn.
Làm việc với công an, bà Nga thừa nhận có sử dụng rượu bia trước khi lái xe. Khi lái xe đến ngã tư Hàng Xanh, bà Nga đạp phanh để dừng đèn đỏ. Lúc chuyển chân từ cần ga sang cần phanh, quai hậu chiếc giày cao gót bị vướng vào cần ga. Bà Nga rút chân ra nhưng trong lúc hoảng loạn, chân bà Nga vướng vào cần ga khiến chiếc xe lao nhanh rồi tông vào dòng người đang dừng đèn đỏ phía trước.
Vụ tai nạn trên chỉ là một trong số hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế lái xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn cao. Việc nhậu xong vẫn lái xe được coi như “không có chuyện gì” đang diễn ra phổ biến ở khắp các tuyến phố. Dù lực lượng chức năng thường xuyên ra quân đo nồng độ cồn, xử phạt hàng chục ngàn trường hợp mỗi năm nhưng tình trạng người dân điều khiển ô tô mà trong người có nồng độ cồn vẫn không giảm.
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TPHCM, cho biết, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do lái xe cùng lúc vi phạm nhiều lỗi như vi phạm tốc độ, có uống rượu bia, đi không đúng chiều đường, không chấp hành tín hiệu giao thông... Trong đó, lái xe khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua.
Để xử lý các hành vi vi phạm, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, hằng năm, Phòng PC08 triển khai nhiều chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn với hàng chục ngàn trường hợp bị lập biên bản xử phạt hành chính. Từ 16/11/2017 đến 15/10/2018, lực lượng CSGT TPHCM xử phạt 21.107 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trung bình 1 ngày có 58 trường hợp người điều khiển giao thông trong tình trạng say rượu bị xử phạt trên địa bàn TPHCM.
Cần xem lại chế tài
Theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay, với hành vi lái xe mà trong người có nồng độ cồn, mà chỉ dừng ở mức phạt hành chính là quá nhẹ so với hậu quả có thể xảy ra và cần phải hình sự hoá với hành vi điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn cao.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn cao bị nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng biện pháp chế tài thật mạnh. Dù mỗi quốc gia có một biện pháp chế tài riêng nhưng nhìn chung đều là những biện pháp chế tài thật nghiêm khắc, từ phạt tiền, truy tố, phạt tù, cấm chạy xe suốt đời, thậm chí phạt đòn roi...
Trong khi đó, việc chế tài vi phạm các đối tượng điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia Việt Nam hiện nay vẫn ở mức quá nhẹ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong khi đó, thực tế cho thấy, tại bất cứ thời điểm nào, việc lái xe sau khi đã dùng rượu bia, có nồng độ cồn trong máu cao có thể gây hệ lụy khôn lường cho bản thân người điều khiển phương tiện và mọi người chung quanh.
Luật sư Đức cho rằng, với số lượng lớn vụ tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu, gây nhiều tổn thất nặng nề cho gia đình và xã hội, đã đến lúc các cơ quan chức năng đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này. Không thể nhẹ tay, nương tay với những hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong người có nồng độ cồn cao.
Luật gia Nguyễn Văn Thành cho rằng, có thể nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc pháp luật của một số nước (Mỹ, Anh, Đức, ...) để quản lý và xử lý nghiêm ngặt việc điều khiển xe sau khi uống rượu, bia như cấm điều khiển xe suốt đời và tịch thu bằng lái vĩnh viễn đối với những hành vi vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Ðề xuất phạt lao động công ích nếu uống rượu bia vẫn lái xe Ngày 23/10, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia ông Khuất Việt Hùng, TPHCM nói rằng, Ủy ban ATGT Quốc gia chưa bao giờ đề xuất hình sự hóa lỗi uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông. Thực tế, có nhiều nước hình sự hóa lỗi uống rượu bia lái xe. Tuy nhiên, mỗi nước có điều kiện khác nhau, môi trường thực thi pháp luật hình sự khác nhau. Ông Hùng cho biết, ông đồng tình việc duy trì chế tài mạnh, xử phạt bổ sung với tài xế uống rượu bia, như thêm hình phạt lao động công ích, hoặc phải học lại mới trả bằng lái. “Nhiều ý kiến nói phải làm sao để người vi phạm giao thông nộp phạt dễ hơn, điều này hơi ngược với mong muốn của chúng ta, khi phạt để răn đe, để người vi phạm phải nhớ. Quy định hiện đã đủ mạnh, quan trọng là thực thi thế nào”, ông nói.
|
Nữ tài xế BMW tông nhiều người thương vong có nồng độ cồn gấp 4 lần quy định
Tại cơ quan điều tra, bà N. được đo nồng độ cồn với kết quả: 0,94 miligam/1 lít khí thở. |