Sáng 28/3, lãnh đạo công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết cơ quan điều tra đã có kết quả kiểm tra chất kích thích trong máu tài xế Phan Thanh Phú (43 tuổi, quê tại xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) – lái xe khách gây tai nạn khiến 10 người thương vong trên địa bàn xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hôm 27/3.
Kết quả kiểm tra cho thấy tài xế Phan Thanh Phú không có nồng độ cồn, cũng như các chất kích thích khác. Cũng theo vị lãnh đạo này, cơ quan điều tra công an tỉnh Vĩnh Phúc hiện chưa có các biện pháp tố tụng nào đối với tài xế Phú.
"Hiện công an tỉnh Vĩnh Phúc mới áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với tài xế", vị lãnh đạo này cho hay.
Cũng theo đại diện công an tỉnh Vĩnh Phúc, tại cơ quan điều tra, tài xế Phú khai nhận chiều 26/3, Phú điều khiển xe khách mang BKS 27B-003.43 từ TP Điện Biên về huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc).
Xe khách có 2 tài xế thay nhau lái, mỗi tài xế lái khoảng 5 tiếng, trên đường đi, xe khách có dừng nghỉ và trả khách dọc đường. Đến khoảng 1h30' sáng 27/3, tài xế Phú cầm lái, điều khiển xe tới thành phố Việt Trì (Phú Thọ) thì chiếc xe thay đổi lộ trình, rẽ về phía huyện Yên Lạc để trả khách, sau đó mới về điểm cuối là huyện Lập Thạch.
Khoảng 5h sáng ngày 27/3, tới địa bàn xã Trung Nguyên (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thì tài xế Phú phát hiện phía trước có đám tang nhưng không kịp xử lý đã lao thẳng vào đoàn người, khiến 7 người chết, 3 người bị thương.
Liên quan đến vụ tai nạn trên, theo LS Trần Thu Nam (Đoàn LS Hà Nội), cơ quan công an cần khởi tố vụ án bởi vụ tai nạn trên đã cướp đi sinh mạng của 7 người, làm bị thương 3 người.
LS Nam khẳng định: "Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, do đó cơ quan công an cần nhanh chóng khởi tố vụ án để điều tra làm rõ, sau khi xác định lỗi thuộc về ai thì tiếp tục khởi tố bị can.
Qua các thông tin ban đầu, có thể nhận thấy tài xế xe khách dấu hiệu tội vi phạm về quy định khi tham gia giao thông đường bộ".
Đồng quan điểm đó, LS Trần Tuấn Anh, giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Hà Nội)cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn là chủ quan hay khách quan, nguyên nhân đó xuất phát từ xe hay từ người điều khiển.
Tuy nhiên theo vị LS, vụ việc đã thỏa mãn dấu hiệu tội vi phạm về quy định khi tham gia giao thông đường bộ, tại Điều 260, BLHS năm 2015.
"Thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp đoàn đưa tang, cũng như là các đám cưới dựng rạp ở một phần lòng đường, điều này là cực kỳ nguy hiểm.
Người dân còn hết sức hạn chế trong việc tham gia giao thông, dẫn đến việc thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhiều người", LS Tuấn Anh nói.
Từ đó, LS Tuấn Anh đặt ra câu hỏi: "Phải chăng nên có các quy định trong việc phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức đám tang, đám cưới được an toàn?
Chính quyền địa phương nên có những quy định trong việc tổ chức lễ cưới, đám tang để hỗ trợ trong việc đặt cảnh báo, cử người điều tiết giao thông từ xa để các phương tiện giảm tốc độ tránh hậu quả đau lòng xảy đến".
Tại khoản 3, Điều 260, BLHS năm 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.