Ưu đãi Lọc dầu Nghi Sơn: Người dân thiệt đơn thiệt kép?

Nếu đàm phán khôn khéo, thận trọng, có thể giảm cam kết xuống một cách vừa phải. Trường hợp không đàm phán được, chịu lép vế thì phải chịu mất tiền.

Chỉnh sửa hay đàm phán lại?

Xung quanh mâu thuẫn giữa cam kết ưu đãi đối với dự án Lọc dầu Nghi Sơn và cam kết FTA mà Việt Nam tham gia, TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đối với bất kỳ nước nào, khi những cam kết, quy định của Chính phủ không phù hợp với FTA thì phải chỉnh sửa.

Nếu tiếp tục đi ngược lại những cam kết FTA đã ký thì các nước còn lại trong FTA sẽ đưa các khiếu nại, khởi kiện ra tòa thương mại hoặc các tòa trọng tài chuyên giải quyết các tranh chấp liên quan đến FTA và khi ấy rất phiền phức.

"Cam kết với nhà đầu tư phải phù hợp với FTA, luật quốc tế đã quy định rõ. Nếu đi ngược lại hoặc không phù hợp thì phải sửa.

Kể cả các quy định của pháp luật Việt Nam, từ các luật, nghị định hoặc các thông tư hướng dẫn có nội dung ngược lại với các FTA mà Việt Nam đã ký cũng phải sửa, huống chi là ưu đãi cho doanh nghiệp", TS Bùi Quang Tín bày tỏ quan điểm.

uu dai loc dau nghi son nguoi dan thiet don thiet kep

Lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu sản xuất thương mại từ năm 2018. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại thể hiện một quan điểm khác.

Theo đó, Lọc dầu Nghi Sơn do một tổ hợp các nhà đầu tư góp vốn và được Việt Nam chấp nhận những khoản ưu đãi rất lớn, đồng thời cam kết nếu lỗ thì PVN sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam bù lỗ.

Những ưu đãi này đã được chấp nhận khi chưa xét đến hàng loạt FTA sắp ký kết và nay chuẩn bị có hiệu lực, riêng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và FTA Việt Nam-Hàn Quốc đã có hiệu lực.

"Việt Nam không thể vi phạm những luật lệ, quy định đã ký kết với quốc tế và cả nhà đầu tư. Chính vì thế, Việt Nam phải ngồi lại với nhà đầu tư điều chỉnh thế nào cho hợp lý.

Nếu ta đàm phán khôn khéo, thận trọng, nói rõ tình hình thì có thể giảm những cam kết xuống một cách vừa phải. Trường hợp không đàm phán được, chịu lép vế thì Việt Nam phải chịu mất tiền", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, đây là một mâu thuẫn mà Việt Nam khi xử lý thực tế không chú ý đến những cam kết với quốc tế.

"Có thể người ký cam kết quốc tế và người ký cam kết ưu đãi với nhà đầu tư Lọc dầu Nghi Sơn là hai người khác nhau, mỗi người lại có một lợi ích riêng.

Chẳng hạn, người ký với quốc tế là muốn hội nhập một cách nhanh chóng, sâu rộng với quốc tế. Nhưng người ký cam kết với nhà đầu tư ở Việt Nam cứ muốn người ta đầu tư mạnh vào Việt Nam và cam kết bất kể cái gì mà nhà đầu tư đưa ra.

Chuyện này xảy ra không chỉ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ cũng vậy. Các nhà đầu tư nước ngoài vào mở siêu thị đầu tiên, từ địa điểm thứ hai trở đi phải xem xét về các điều kiện kinh tế khác rồi mới cấp phép cho từng dự án.

Người đi đàm phán có ý thức bảo vệ doanh nghiệp nội địa, nhưng khi Metro, Big C... vào rồi họ nhanh chóng mở rộng mạng lưới ồ ạt tới hàng chục địa điểm. Việc họ mở dễ dàng còn xuất phát từ việc tỉnh nào cũng muốn nhận đầu tư, vì lợi ích cục bộ mà bất chấp điều kiện kinh tế, quy định.

Kết quả là các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam một thời gian là bành trướng khắp cả nước thành một mạng lưới. Sau khi bành trướng đủ rộng rồi, họ bán cho Thái Lan để kiếm tiền.

Đây là mâu thuẫn trong việc thực thi chính sách của Việt Nam và cũng là những sơ hở, thiếu sót làm mất tiền của người dân. Việc đàm phán được tiến hành vội vàng, lấy mục tiêu nhỏ lấn át mục tiêu lớn.

Mục tiêu nhỏ là lôi kéo nước ngoài vào đầu tư rồi hứa ưu đãi, nhưng thực tế cuộc sống thay đổi, những hiệp định mới ra đời. Đáng lý ra phải đàm phán một cách thận trọng và khôn ngoan nhưng ở đây thì trái lại. Cách làm ấy thể hiện sự thiếu trách nhiệm một cách đầy đủ", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.

Người dân thiệt đơn thiệt kép

Nhìn lại những ưu đãi mà Việt Nam cam kết với nhà đầu tư của Lọc dầu Nghi Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhận xét, trong khi nhà đầu tư được lợi rất nhiều thì người dân thiệt đơn thiệt kép khi không được mua hàng rẻ, tiền thuế lại bị sử dụng vung vãi.

"Tôi chưa nhìn thấy Việt Nam được gì từ Lọc dầu Nghi Sơn nhưng có một thời Việt Nam đẩy mạnh lọc hóa dầu, ký một loạt rồi bỏ không làm.

Thật ra công nghệ lọc dầu Việt Nam đưa về không còn hiện đại, các nước chưa đến mức loại bỏ nhưng nó cũng đến giai đoạn sắp sửa kết thúc chu kỳ sống của công nghệ ấy, vậy mà vẫn cứ ham", ông Nam nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, từng có thời điểm Việt Nam trải thảm đỏ thu hút vốn FDI bằng mọi giá. Tuy nhiên, không chỉ trước đây, mà ngay cả sau này, việc trải thảm đỏ vẫn cho thấy nhiều bất cập, mà Formosa là một ví dụ.

"Trải thảm đỏ chẳng qua chỉ là cách nói hình tượng. Đáng lý ra chỉ trải thảm đỏ vì lợi ích của nền kinh tế nhưng trải thảm đỏ cũng có thể chỉ là tấm bình phong để nấp sau đó những lợi ích nhóm", ông Nam thẳng thắn.

Bởi thế, việc xem xét lại các dự án FDI là cần thiết và phải đàm phán trên cơ sở lấy lợi ích đất nước làm đầu.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng lưu ý, việc này không dễ dàng khi còn cơ chế xin-cho, bù lỗ. Cơ chế ấy mãi không sửa được là vì hai bên xin và cho, bên bỏ tiền ra bù lỗ và bên được bù lỗ đều có lợi.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.