Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết Mỹ là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong tất cả các tháng của nửa đầu năm nay.
"Với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 dự báo vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019", VASEP nhận định.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Mỹ trong nửa đầu năm nay với số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ không giảm trong thời gian này do Mỹ nhập khẩu để phục vụ kênh bán lẻ, thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.
"Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ... để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này", VASEP nhận định.
Trên thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề.
Các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Ấn Độ vẫn nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trong nhiều năm qua, chiếm 40% tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ.
Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ đã bắt đầu giảm trong tháng 5 sau khi tăng trong những tháng trước đó. xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5 đạt 8.560 tấn, trị giá 72,1 triệu USD, giảm 58% về khối lượng và 56% về giá trị so với tháng 5/2019.
Ecuador vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 3 cho Mỹ. Trong tháng 5, xuất khẩu sang Mỹ 5.773 tấn tôm, trị giá 33,6 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và 32% về giá trị so với tháng 5/2019.
Ít nhất 17 nguồn cung đã giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 5 so với tháng 5/2019. Một số nguồn cung như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanhập khẩua và Na Uy không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5.
"Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp nguồn cung giảm từ các nguồn cung trên". VASEP nhận định.
Trên thị trường Mỹ, trong top 8 nguồn cung tôm chính cho Mỹ, Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng cao và ổn định nhất trong nửa đầu năm nay. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính của Indonesia là tôm bóc vỏ đông lạnh và tôm giá trị gia tăng đang có nhu cầu cao ở Mỹ.
Thái Lan và Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng giảm xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2019. Thái Lan đang mất dần thị phần trên thị trường Mỹ do những vi phạm về vệ sinh, uy tín sụt giảm trong khi giá tôm cao, thuế CBPG cao.
Mới đây, Mỹ tuyên bố dừng 1,3 tỷ USD ưu đãi thương mại dành cho Thái Lan theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) do nước này không đáp ứng các yêu cầu quốc tế về quyền của người lao động.
Từ năm 2019, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến tôm Trung Quốc xuất sang Mỹ phải chịu thuế suất cao.
Dự báo, trong quí III/2020, tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ không cao bằng quí II/2020 do Ấn Độ và Ecuador chuyển hướng tăng xuất khẩu sang Mỹ do gặp khó ở Trung Quốc.
Trong đầu tháng 7 năm nay, một số lô tôm xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc bị chậm thông quan, cộng với xung đột căng thẳng tại đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong quý III năm nay.
Ngày 10/7, Ecuador bị Trung Quốc cấm nhập khẩu tôm từ 3 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm. Điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc.
Do gặp khó ở thị trường Trung Quốc, Ecuador và Ấn Độ sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang Mỹ. Ecuador và Ấn Độ đều lên phương án hạ giá bán trên thị trường Mỹ để hấp dẫn các nhà nhập khẩu.
Do vậy, tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, phương án hạ giá bán sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các nhà cung cấp Ấn Độ, Ecuador về lâu dài và đây chỉ là giải pháp tình thế.
Các nhà cung cấp Ecuador còn lúng túng trong việc đóng gói sản phẩm đúng quy cách để phục vụ ngành bán lẻ. Các block tôm đông lạnh từ 2-5 kg phục vụ nhà hàng thì hiện phải chuyển đổi thành tôm lột vỏ, bỏ chỉ lưng đóng túi 1-2 pound để phục vụ bán lẻ.