Vật vờ về quê đón Tết ở bến xe Miền Đông |
Một bạn sinh viên háo hức về quê đón tết. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Hầu hết, những người nhập cư vào TP HCM làm việc và học tập đều hướng về quê nhà, thèm ăn bữa cơm cùng gia đình. Đơn giản vậy nhưng đó lại là điều không tưởng của nhiều người.
Trong khi nhiều người tất bật chuẩn bị về quê đón Tết, nhiều công nhân lao động nghèo, sinh viên khó khăn… chấp nhận một cái Tết không người thân để kiếm thêm một khoản nhỏ dành cho chi phí năm sau.
Tâm sự cùng PV, chị Thủy (nhân viên phục vụ quán cà phê) chia sẻ: “Xa nhà đã 4 năm rồi, nhưng về quê đón Tết với gia đình chỉ được hai lần. Vì nhiều lý do, đi làm, phải trực ngày Tết kiếm thêm thu nhập. Biết là gia đình sẽ rất buồn, nhưng chắc bố mẹ tôi sẽ thấy hạnh phúc khi thấy con mình trưởng thành, tự đứng vững trên đôi chân của mình.”
Theo chị Thủy, công việc hằng ngày của mình là pha chế cà phê nên những ngày Xuân công việc càng bận rộn, khách đến quán cà phê sẽ đông hơn. Vì thế, thu nhập của Thủy được nhân đôi theo ngày. Để mưu sinh qua ngày, Thủy đành ngậm ngùi gọi về gia đình…Xuân này con không về!
Còn vợ chồng anh Tuấn (quê Đà Nẵng) cho hay: “Hai anh chị đều là giáo viên, thời gian nghỉ khá dài nhưng có hai con nhỏ nên cả nhà đành ở lại đất khách đón Tết. Tuần trước, tôi điện thoại cho gia đình thì nghe tiếng thở dài, biết là cha mẹ sẽ buồn, nhớ cháu nhưng biết làm thế nào được”.
Vì con nhỏ bị đau, nên chị Thy bùi ngùi đành ở lại Sài Gòn chăm sóc con, chồng cùng con gái lớn về quê đón Tết tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Có mặt tại BX Miền Đông, chị Nguyễn Thị Thy (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự: “Tôi cùng chồng đã chuẩn bị tâm lý về quê nên đã mua vé xe từ tháng trước. Nhưng do con bị đau, nên chị đành ngậm ngùi ở lại lo cho con nhỏ để chồng cùng con lớn về quê”.
Giọng nghèn nghẹn chị kể, từ lúc sinh con tới giờ, cả gia đình chưa về quê, toàn là ông bà vào thăm cháu. Năm nay lại lỡ hẹn với ông bà một cái Tết nữa.
Biết được hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp, các đơn vị đã hỗ trợ những chuyến xe Tết yêu thương miễn phí cho công nhân về quê đón Tết cùng gia đình. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Ngồi cạnh đó, ông Xuân, quê Bắc Giang cho biết, ông vào Nam đã 5 năm nay mới về quê ăn Tết lần đầu. “Cuộc sống khó khăn, vé Tết về quê gần hai triệu đồng, thực bụng tôi không muốn về nhưng nhớ gia đình quá nên cắn răng về. Về mà chỉ lận lưng vài triệu với ít áo quần cho hai đứa con cũng cảm thấy tủi lắm”, ông Xuân tâm sự
Vừa trả khách tại bến xe, bác tài xe ôm nói với theo vị khách: “Bác về quê ăn Tết vui nhé, khi nào vào bác gọi em đón”. Nghe bác tài giọng Bắc, chúng tôi lân la hỏi chuyện, mới biết bác tên Quân, quê Hà Nam đã vào Sài Gòn hơn 10 năm làm nghề xe ôm.
Bác Quân kể, trước vào Sài Gòn bán cây cảnh nhưng cực quá đã chuyển nghề chạy xe ôm. Do quê xa nên cứ 3 năm mới về quê đón Tết một lần. “Cánh lao động như chúng tôi ai cũng nhớ quê hương nhưng chi phí đi lại quá cao mà ngày Tết ít người chạy xe ôm nên kiếm tiền dễ hơn. Thôi thì cứ ba năm về một lần. Nhiều năm sống như vậy nên tôi quen rồi. Với lại năm sau tôi sẽ về quê, ăn Tết với gia đình”, bác Xuân cười vui rồi phóng xe đi mất.
Về quê đón Tết, nỗi lòng kẻ ở-người đi, không chỉ riêng những người thu nhập thấp, lao động nghèo không về quê đón Tết, những bạn trẻ sinh viên cũng ở lại đất Sài Gòn làm việc, để kiếm thêm thu nhập, hay thậm chí những người có công việc ổn định, thu nhập khá nhưng vì những lí do khác nhau, tất cả đều tạm dấu lòng nhớ quê để đón một cái Tết xa nhà.