Vietnam Airline đẩy mạnh phân khúc giá rẻ, khẳng định là tương lai của ngành hàng không

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành khẳng định phân khúc giá rẻ là tương lai của ngành hàng không. Hãng sẽ thay đổi và phát triển mảng này, song song với hình ảnh hãng hàng không 4 sao.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines  tổ chức sáng nay, 10/5, nhiều cổ đông đã chất vấn về mục tiêu kinh doanh của Vietnam Airlines liệu có quá thấp khi chỉ riêng quí I, công ty đã đạt 45% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

Quí I đã đạt 45% lợi nhuận cả năm, nhưng...

Đạt kết quả kinh doanh kỉ lục trong quý I/2019, Vietnam Airlines khẳng định đây là kết quả cao nhất sau 25 năm hoạt động, và đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2019 đạt hơn 111.000 tỉ đồng, tăng gần 15% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.680 tỉ đồng, tăng 5,8% so với cùng kì.

Đáng chú ý, mới kết thúc quí I/2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp đã đạt 1.579 tỉ đồng, đạt trên 45% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Vietnam Airline đẩy mạnh phân khúc giá rẻ, khẳng định là tương lai của ngành hàng không - Ảnh 1.

Kết thúc quí I/2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines đạt trên 45% kế hoạch lợi nhuận của cả năm. (Ảnh: VNA).

Với kết quả này, cổ đông tại đại hội hôm nay đã chất vấn lãnh đạo Vietnam Airlines liệu mục tiêu chung cho cả năm mà hãng đặt ra có quá thấp, hoặc chưa tương xứng, trong mối tương quan với 3 tháng đầu năm.

Trả lời cổ đông, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành giải thích không thể lấy kết quả kinh doanh chỉ riêng trong quí I rồi nhân lên cho các quí còn lại trong năm để ra được doanh thu, lợi nhuận của cả năm. Theo ông Thành, ngành hàng không mang tính thời vụ. Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm, hàng không có nhiều thuận lợi nên lợi nhuận đã tăng mạnh.

Cụ thể, tháng 1 là thời gian có doanh thu kỉ lục nhất do giá dầu ở mức thấp, chỉ 71 USD/thùng. Tháng 2, doanh thu cũng ở mức cao nhưng đến tháng 3, và tháng 4 giá dầu bắt đầu tăng khiến lợi nhuận thấp hơn. 

Theo tính toán của Vietnam Airlines, giá dầu trung bình năm 2019 sẽ tăng cao, trung bình khoảng 85 USD/thùng nên lợi nhuận sẽ bị sụt giảm. Đặc biệt, thời gian chờ kéo dài tại sân bay Tân Sơn Nhất do quá tải cũng khiến hãng phải tốn nhiều chi phí hơn.

Ngoài vấn đề nhiên liệu, các tháng đầu năm là thời điểm lễ Tết, với nhu cầu di chuyển tăng cao. Ngược lại, tháng 3, 4 và 5 là tháng thấp điểm. Ông Thành cho rằng đây là thời điểm sửa chữa máy bay, đào tạo nhân sự, theo kiểu "nuôi quân", chịu lỗ trước khi bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch hè.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng cho hay kế hoạch năm 2019 có thể coi là một thách thức của hãng. Vì theo dự báo, ngành hàng không năm 2019 tăng trưởng 12% so với cùng kì 2018. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, vốn là mùa cao điểm nhưng thị trường hàng không chỉ tăng trưởng gần 7%. 

Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh phân khúc giá rẻ

Năm 2019, Vietnam Airlines đặt mục tiêu nắm 55% thị phần hàng không trong nước, với số lượng khách vận chuyển đạt 25 triệu lượt. 

Tuy nhiên, cổ đông lại  băn khoăn khi thị phần của hãng liên tục giảm qua các năm, trong khi đối thủ cạnh tranh lại tăng, và nhất là có thêm nhiều hãng bay mới gia nhập thị trường, cũng như mở thêm nhiều đường bay mới.

Vietnam Airline đẩy mạnh phân khúc giá rẻ, khẳng định là tương lai của ngành hàng không - Ảnh 2.

Từ chỗ lỗ nặng đến bớt lỗ, hoà vốn và năm 2018, Jetstar Pacific cũng đã báo lãi 34 tỉ đồng. Ông Dương Trí Thành khẳng định phân khúc giá rẻ, vốn là tương lai của ngành hàng không. (Ảnh: Reuters).

Ngoài việc phát triển theo hình ảnh một hãng hàng không 4 sao, Vietnam Airlines cho biết trong chính sách sẽ phát triển cả 3 phân khúc là hàng không truyền thống, hàng không giá rẻ và phục vụ các khu vực khó khăn, vùng núi...

Nói về Jetstar Pacific, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết kể từ năm 2012, Chính phủ giao hãng tái cấu trúc, quá trình này hết sức gian nan. Tuy nhiên, hiện việc tái cấu trúc đã cơ bản hoàn thành. Từ chỗ lỗ nặng đến bớt lỗ, hoà vốn và năm 2018, Jetstar Pacific cũng đã báo lãi 34 tỉ đồng. 

Ông Thành cũng cho rằng phân khúc giá rẻ của Jetstar Pacific là có tương lai cho Vietnam Airlines.

Còn về Vasco, hãng dự định đổi mới đội bay, từ dòng máy bay cánh quạt ATR72 sang các phản lực khu vực (Regional Jet) để có hiệu quả cao hơn. Vietnam Airlines kì vọng sự thay đổi này giúp cạnh tranh với các máy bay phản lực của hàng không giá rẻ, tiến tới mang lại lợi nhuận cao.

Đề xuất cơ chế lương đặc thù để giữ chân phi công

Ngoài câu chuyện kinh doanh trong năm 2019, cổ đông của Vietnam Airlines còn quan tâm vấn đề nguồn nhân lực, đặc biệt là phi công. Đây là vấn đề nóng của các hãng hàng không, đặc biệt năm 2018, Vietnam Airlines dính các vụ lùm xùm khi nhiều phi công nộp đơn xin nghỉ vì vấn đề lương và các phúc lợi khác.

Vietnam Airline đẩy mạnh phân khúc giá rẻ, khẳng định là tương lai của ngành hàng không - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho rằng hiện hãng đang đề xuất xem xét có cơ chế lương đặc thù cho Vietnam Airlines. (Ảnh: Zing).

Gần đây, Bamboo Airways cũng "tố" Vietnam Airlines đã cạnh tranh không lành mạnh khi gửi văn bản đóng dấu "mật" đến Bộ Giao thông Vận tải, nói hãng giành giật phi công và đề nghị không cấp phép bay đối với Boeing 787 của Bamboo Airways.

Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho rằng hiện hãng đang đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Lao động - Thương binh Xã hội xem xét có cơ chế lương đặc thù cho Vietnam Airlines. 

Ông Thành cũng cho hay hãng đang có kế hoạch tăng lương cho đội ngũ phi công và lao động kĩ thuật cao giai đoạn 2020-2025.

Năm 2018, mức lương bình quân của phi công Vietnam Airlines là 132,5 triệu đồng mỗi tháng. So với thu nhập năm 2017, lương phi công của Vietnam Airlines đã tăng thêm 10,9 triệu đồng/tháng (tương đương tăng 9%), từ 121,6 triệu đồng.

Cụ thể, từ tháng 6/2018, hãng đã chính thức tăng lương cho phi công.

Mua mới 50 máy bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025

Vietnam Airlines tính toán đến cuối năm nay sẽ có 112 máy bay, nhờ bổ sung thêm 22 máy bay mới và thay thế 3 chiếc đang thuê.

Ở thời điểm cuối năm 2018, Vietnam Airlines Group sở hữu 110 máy bay, trong đó Vietnam Airlines khai thác 93 máy bay. Tổng số máy bay do hãng thuê là 39 chiếc, 54 máy bay còn lại thuộc quyền sở hữu của Vietnam Airlines.Chiếm nhiều nhất trong đội bay của Vietnam Airlines là 58 chiếc A321. Tiếp đến là A350 với 12 chiếc, B787 có 11 chiếc, ATR72 có 7 chiếc, 5 máy bay còn lại thuộc dòng 321 NEO và A330.

Vietnam Airline đẩy mạnh phân khúc giá rẻ, khẳng định là tương lai của ngành hàng không - Ảnh 4.

Cuối năm 2018, Vietnam Airlines đang khai thác 93 máy bay, gồm thuê là 39 chiếc, và sở hữu 54 chiếc. (Đồ hoạ: Phúc Huy).

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ đầu tư 50 máy bay thân hẹp và các máy bay phản lực khu vực (Regional Jet). Đội bay mới sẽ thay thế dần các máy bay cũ hiện nay.

Phương thức đầu tư đội bay sẽ kết hợp giữa phương thức mua/thuê mua và thuê lại (SLB), trong đó việc mua theo hình thức mua/thuê mua tối đa không quá 50% máy bay của dự án. Tổng mức đầu tư dự kiến cho việc mua 50 máy bay và 10 động cơ dự phòng giai đoạn khoảng 3,63 tỉ USD.

Định hướng đến 2030, nhu cầu đội bay là 156-223 chiếc, trong đó đội bay thân rộng là 40-46 chiếc, đội thân hẹp là 110-157 chiếc và máy bay phản lực khu vực là 6-20 chiếc.

Chiến lược phát triển đội bay được xác định theo định hướng lựa chọn các dòng máy bay chở khách công nghệ mới, hiện đại, đơn giản về cấu trúc và chủng loại, phù hợp với nhu cầu thị trường, hạ tầng hàng không và đáp ứng tốt hiệu quả khai thác.