Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, CTCP VNG ghi nhận khoản doanh thu 1.489 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, lợi nhuận gộp được cải thiện 18% lên 678 tỷ đồng.
Song trong quý I, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá gấp 6 lần cùng thời điểm năm ngoái, chi phí bán hàng cũng đội 63% tăng lên 512 tỷ đồng và chi phí tài quản lý doanh nghiệp tăng 13% lên 198 tỷ đồng.
Chi phí ăn mòn lợi nhuận, do đó kết thúc quý I, VNG lỗ ròng gần 27 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 86 tỷ đồng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của VNG cho thấy, trong quý I, do giảm các khoản phải trả tăng mạnh từ 110 tỷ đồng lên 183 tỷ đồng và khấu hao từ 86 tỷ đồng (2020) lên 167 tỷ đồng (2021) khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 105 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong quý đầu năm công ty cũng đã chi 110 tỷ đồng để đầu tư vào đơn vị khác. Như tin đã đưa trước đó, VNG đã hoàn tất mua lại 641.559 cổ phần công ty Công ty DayOne, tương ứng tỷ lệ sở hữu 29,83%. Dayone là chủ sở hữu của Got It, startup chuyên về giải pháp tặng quà tại Việt Nam. Tháng 10/2020, Got It ra mắt dịch vụ tặng quà online trên ứng dụng chat Zalo.
Tại thời điểm 31/3/2021, VNG đang sở hữu 17 công ty con trong đó có những cái tên đáng chú ý như Phát triển phần mềm VNG (100%), Giải trí Long Đỉnh (100%), Zion (60%). Trong đó được quan tâm nhất là CTCP Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay.
Báo cáo thường niên 2020 của VNG cho thấy, Zalo Pay đang lỗ tới 666 tỷ đồng và đây là mức lỗ kỷ lục kể từ năm 2016 tới này. Một đơn vị khác là trang thương mại điện tử Tiki, nơi VNG nắm 22,23% cổ phần cũng ghi nhận khoản lỗ 3,8 tỷ đồng trong năm ngoái. Trước đó 2019, Tiki có khoản lỗ kỷ lục 1.766 tỷ đồng.
Về VNG, tại thời điểm 31/3/2021, VNG sở hữu quy mô tổng tài sản của VNG đạt 7.658 tỷ đồng. Trong đó tổng tiền mặt và tiền gửi 4.265 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng tài sản doanh nghiệp. Cuối quý, nợ phải trả của VNG 1.590 tỷ đồng. Trong đó chi phí phải trả ngắn hạn gần 734 tỷ đồng, chủ yếu là phí phần mềm (380 tỷ đồng), chi phí quảng cáo (195 tỷ đồng) và chi phí lương (77 tỷ đồng).
Vốn chủ sở hữu của VNG cuối quý I là 6.069 tỷ đồng, trong đó có 358 tỷ đồng vốn cổ phần và hơn 6.317 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.