Anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng là hai học viên tốt nghiệp lớp cao học Hán Nôm đầu tiên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM).
Ngày 21/8, anh Minh bảo vệ luận văn Nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm "Mỗi hoài ngâm thảo" của Hà Đình Nguyễn Thuật do TS Lê Quang Trường hướng dẫn; chị Phượng với đề tài Chữ Nôm Nam Bộ qua khảo sát tác phẩm "Kim cổ kỳ quan" của Nguyễn Văn Thới do TS Nguyễn Ngọc Quận hướng dẫn.
Cả hai luận văn được Hội đồng đánh giá là công phu, có trình độ và đều đạt 9,5 điểm.
Hôm đó cũng là dịp kỷ niệm 10 ngày cưới của họ.
Chị Phượng, anh Minh và con gái (từ trái qua) trong một hoạt động của khoa Văn học. Ảnh: Minh Phượng
Hoàn thành cao học, anh chị rất vui bởi tạm thời đã vượt qua được chặng đường mới. "Niềm vui giống như hồi tốt nghiệp đại học, thấy mình còn quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thứ phải tiếp tục cải thiện", anh Minh chia sẻ.
Theo gia đình vào Khánh Hòa sống từ nhỏ, thỉnh thoảng anh Minh mới có dịp về quê Thanh Hóa. Ông nội biết chữ Nôm, mỗi dịp về quê đều được ông đem gia phả dòng họ bằng văn tự này ra cho xem và đọc cho nghe.
Dù chưa hiểu gì nhưng cậu bé Minh bắt đầu tò mò về loại chữ "trông loằng ngoằng như giun".
Đầu năm 2000, anh thi đậu đại học, theo ngành Ngữ văn và Báo chí. Đến học kỳ thứ ba trước khi phân ngành, anh được học môn Chữ Nôm cơ sở do TS Nguyễn Ngọc Quận giảng dạy.
"Đó là môn đầu tiên, cũng là duy nhất hồi đại học tôi rớt nên khá buồn. Tự nghĩ môn này có gì khó đâu mà mình lại rớt, thế là tôi quyết theo học chuyên ngành Hán Nôm để chinh phục nó", anh kể.
Thêm nữa, sinh viên theo theo học ngành Hán Nôm sẽ được miễn học phí, vừa được nhận học bổng nếu đạt kết quả tốt. Nhà nghèo, sinh hoạt ở Sài Gòn đắt đỏ nên với cậu sinh viên ngày đó, điều này càng thêm phần hấp dẫn.
Chị Phượng học cùng ngành với anh Minh nhưng sau một lớp. Vốn thích tìm hiểu sử Việt, nên khi phân ngành chị đã chọn Hán Nôm.
Thời còn ngồi ghế giảng đường đại học, họ chưa để ý đến nhau, chỉ xem nhau là bạn đồng môn. Sau đó cả hai thường gặp gỡ mỗi năm ngành Hán Nôm tổ chức họp mặt truyền thống, lớp trước đón lớp sau, cùng chia sẻ kinh nghiệm học tập... Khi đó, cả hai mới quyết định tìm hiểu và tiến tới hôn nhân.
Người chồng sau đó học thêm nghề thuốc đông y, vừa bốc thuốc vừa làm một số dự án liên quan đến chữ Hán, còn người vợ làm ở một công ty phần mềm về từ điển. Cả hai đều muốn học lên cao để vững vàng hơn trong ngành, song muốn học thạc sĩ Hán Nôm phải ra Hà Nội nên họ tạm gác lại giấc mơ.
Ba năm trước, khi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM khai giảng khóa cao học Hán Nôm, vợ chồng anh cùng đăng ký. Học Hán Nôm khó, ngày nào cũng đọc các văn bản cổ nên dễ bị chai sạn cảm xúc.
Rất may, họ có những người thầy nhiệt huyết, biết truyền cảm hứng và niềm say mê cho học trò.
Theo anh Minh, cũng như các ngành khác, Hán Nôm có cả khó khăn lẫn thuận lợi, muốn hiểu phải tự học, tự đọc nhiều bởi thời gian ở trường không thể giải quyết hết được. "Ngày xưa các cụ chỉ đọc sách kinh nghĩa thôi mà đã mất cả chục năm chưa xong, nay mình chỉ học 4-5 học kỳ ở trường đại học nên chẳng thể nào đủ để hiểu đúng được, chứ đừng nói là hiểu sâu sắc", anh chia sẻ.
Học cùng từ đại học đến cao học, cùng chung một nhà suốt 10 năm nay, phần nhiều thời gian của hai vợ chồng dành cho môn Hán Nôm. Họ quan niệm, tất cả các môn học về văn hóa, văn minh phương Đông, trong đó có Việt Nam ít nhiều đều liên quan đến Hán Nôm. Ngành học cho những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất để đào sâu các lĩnh vực khác như văn học, lịch sử, văn hóa của người Việt.
Buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của anh Hồ Ngọc Minh và chị Lý Hồng Phượng. Ảnh: Khoa Văn học
Nhớ lại những ngày khó khăn khi vợ chồng phải phân bổ thời gian cho việc học, mưu sinh và chăm lo con gái lớp 3, chị Phượng kể:
"Có nhiều buổi học hay hội thảo chuyên đề trùng với ngày nghỉ của con, chúng tôi phải dắt bé theo dự. Thầy cô, bạn bè quen mặt bé nên hay trêu đây là nhà khoa học trẻ tuổi nhất".
Theo chị Phượng, nhiều bạn trẻ thường ngán ngẩm khi nghĩ về ngành Hán Nôm bởi vừa khó, vừa khô khan, cơ hội xin việc ít. Song, bạn bè đồng lứa anh chị ra trường vẫn nhanh chóng có việc làm ổn định. Dĩ nhiên, lương bổng không cao như người làm kinh doanh, nhưng đủ để "sống ổn" nếu chịu khó làm việc.
Hai tân thạc sĩ cho rằng, học Hán Nôm cho tới, biết vận dụng linh hoạt thì người học sẽ làm không hết việc. Nhu cầu xã hội ở ngành này vẫn có trong khi nguồn nhân lực đang khan hiếm, cơ hội du học để phát triển chuyên sâu cũng rộng mở.
Từ năm học này, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM miễn học phí cho học viên cao học chuyên ngành Hán Nôm, nhằm duy trì, phát triển lực lượng nghiên cứu sâu về văn hóa dân tộc.
Hán Nôm là một trong những ngành học lâu đời nhất của trường, có từ thời Đại học Văn khoa Sài Gòn với những học giả lớn như Bửu Cầm, Nghiêm Toản, Trần Trọng San, Lưu Khôn, Nguyễn Khuê, Huỳnh Minh Đức.