Năm 2017, Sở GTVT Hà Nội đã thông tin về kết quả cuộc thi ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, liên danh giữa đơn vị Việt Nam và Nhật Bản đã đạt giải nhì (không có giải nhất). Đáng chú ý, đơn vị này có ý tưởng xây dựng tuyến taxi nước trên Hồ Tây góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại hai bờ Bắc - Nam. (Ảnh: Goolge).
Theo ý tưởng này, bến taxi nước được bố trí tại các quảng trường, công trình công cộng dịch vụ, khoảng cách giữa các bến là 1-1,2 km đường thủy. Tại thời điểm năm 2017, có khá nhiều ý kiến đồng tình với taxi nước ở hồ Tây do nơi đây có cảnh quan mặt nước đẹp, có thể phát triển du lịch.
Nhiều người cho rằng ý tưởng này khả thi khi vừa giải quyết giao thông và du lịch bởi du khách sẽ rất thích thú nếu được dạo một vòng hồ Tây ngắm Thủ đô ở một góc mới.
Hồ Tây luôn đẹp vào nhiều thời điểm trong ngày, từ bình minh tới hoàng hôn. Tuy nhiên, taxi nước vẫn chỉ là ý tưởng.
Bên cạnh đó, việc đưa taxi nước vào hồ Tây có ảnh hưởng, tác động đến môi trường hay không thì vẫn chưa có câu trả lời.
Tại kì họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín) đã đề xuất, thành phố nên có buýt đường thuỷ trên sông Hồng để du khách đi tàu ngắm được Thủ đô. (Ảnh: Goolge).
Theo vị đại biểu trên, việc tăng buýt trên cạn sẽ gây tắc và buýt đường thủy sẽ giúp phát triển du lịch. Ông Minh cũng cho rằng sông Hồng đẹp hơn sông Sài Gòn. Được biết, năm 2017, TP HCM đã mở tuyến buýt từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức).
Theo tìm hiểu, sông Hồng đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 18km. Hà Nội cũng đang tái khởi động dự án TP ven sông.
Ngày 13/7, lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty) cho biết đã trình UBND thành phố đề xuất "giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng.
Được biết, nếu được thông qua, phía Công ty Thoát nước sẽ xây hệ thống trạm bơm công suất 156.000 m3/h dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây, sau đó nước sẽ được xả từ hai cửa Hồ Tây A và B chảy vào sông Tô Lịch. Đơn vị này cho rằng giải pháp trên đồng bộ với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống hai bên sông Tô Lịch để thu gom nước thải. Đề án này còn hướng tới việc xây dựng tuyến buýt đường thủy sau khi giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, khi sông Tô Lịch hàng ngày được bổ cập nước sạch từ sông Hồng, có dòng chảy thì có thể phát triển được một tuyến buýt đường thuỷ giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường trên cạn.