Xiaomi tự nhận là ‘công ty Internet’ nhưng nguồn lợi nhuận lớn nhất của hãng chứng minh điều ngược lại

Xiaomi liên tục nhấn mạnh hình ảnh một công ty Internet. Song, nguồn lợi nhuận lớn nhất của hãng lại đến từ mảng phần cứng.

Lei Jun, người đồng sáng lập Xiaomi, mô tả công ty của mình "hơn cả một công ty phần cứng" trước thời điểm họ thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu tại Hong Kong. Thế nhưng, gần 2 năm sau đó, Xiaomi không khác gì một công ty phần cứng đơn thuần.

Hãng smartphone lớn thứ 4 thế giới ngày càng tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm phần cứng, bao gồm cả các sản phẩm gia dụng như máy lọc không khí, máy sấy tóc hay máy hút bụi.

Xiaomi thu về 9 tỉ USD doanh thu từ các sản phẩm IoT (Internet vạn vật) và gia dụng trong năm 2019, tăng 41,7% so với cùng kì năm trước đó. Đây cũng là mảng kinh doanh tăng trưởng ấn tượng nhất của hãng công nghệ Trung Quốc.

Xiaomi tự nhận là ‘công ty Internet’ nhưng những gì nó thực hiện lại chứng minh điều ngược lại - Ảnh 1.

Ông Lei Jun, Chủ tịch và CEO Xiaomi, trong buổi "chào sàn" Hong Kong của Xiaomi hồi tháng 7/2018. Ảnh: Bloomberg

Nhiều nhà đầu tư vào Xiaomi lúc IPO kì vọng Xiaomi là một công ty Internet tương tự mô hình của Amazon hay Tencent. Dù thế, doanh thu từ dịch vụ Internet của Xiaomi vẫn chiếm chưa tới 10% trong tổng doanh thu của nó.

Giá cổ phiếu Xiaomi đã giảm 13% so với mức giá chào sàn ở Hong Kong, trong khi đó chỉ số Hang Seng Index chỉ giảm 8% trong cùng kì.

Thương vụ niêm yết 4,7 tỉ USD của Xiaomi khiến nó trở thành hãng công nghệ IPO thành công nhất kể từ thời điểm Facebook niêm yết hồi năm 2012. Nó cũng biến 5 lãnh đạo của Xiaomi thành tỉ phú. Thời điểm đó, Lei Jun dẫn dắt Xiaomi với khối tài sản 15,6 tỉ USD. Hiện tại, con số giảm xuống còn khoảng 12,5 tỉ USD.

Lei giới thiệu Xiaomi là "một công ty Internet được thúc đẩy nhờ sự sáng tạo" song phân tích doanh thu mới nhất của Xiaomi lại cho thấy những điều hoàn toàn khác.

Dịch vụ Internet chỉ đóng góp 9,6% tổng doanh thu của Xiaomi trong năm 2019. Mảng kinh doanh sản phẩm IoT và đời sống mang về 30,2% trong khi đó mảng smartphone chiếm 59,3% tỉ trọng doanh thu.

"Nếu mảng kinh doanh Internet của Xiaomi không vươn lên vị trí cao hơn trong quy mô doanh thu của nó, rất khó để định hình Xiaomi là một công ty Internet", ông Hao Hong, giám đốc công ty nghiên cứu BOCOM International, chia sẻ với Forbes.

Khi nhu cầu mảng điện thoại giảm xuống, Xiaomi đang nỗ lực tìm kiếm các cỗ máy tăng trưởng khác để bù đắp. Doanh số smartphone toàn cầu dự báo giảm 2,3% trong năm 2020, theo IDC.

"Doanh số smartphone bán ra đi xuống sẽ ảnh hưởng nặng nề đến khả năng sinh lời của Xiaomi", ông Hong nói thêm và cho rằng điều đó giải thích vì sao Xiaomi đang tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới.

Từ smartphone (điện thoại thông minh) đến smarthome (nhà thông minh)

Xiaomi tự nhận là ‘công ty Internet’ nhưng những gì nó thực hiện lại chứng minh điều ngược lại - Ảnh 2.

Xiaomi có hệ sinh thái sản phẩm phần cứng đồ sộ song điều này làm lu mờ hình ảnh một công ty Internet mà nó đang tạo dựng. Ảnh: Android Central

Xiaomi đang muốn đón thành công tương tự ở mảng smartphone cho mảng thiết bị nhà thông minh và thiết bị đeo. Theo IDC, thị trường mảng thiết bị nhà thông minh và thiết bị đeo toàn cầu đạt mốc 279 tỉ USD trong năm 2019 và có thể sẽ tăng lên 459 tỉ USD vào năm 2024.

Xiaomi đang đầu tư vào hàng trăm công ty thiết kế và sản xuất sản phẩm, theo một người phát ngôn công ty. Ví dụ, năm 2014, Xiaomi đầu tư vào Beijing Roborock Technology chỉ một vài tháng sau khi nó thành lập. Beijing Roborock Technology sản xuất máy hút bụi tự động cho Xiaomi.

Trong loạt thiết bị thương hiệu Xiaomi, TV là sản phẩm bán chạy nhất. Năm 2019, Xiaomi bán 12,8 triệu sản phẩm TV trên toàn cầu, tăng 51,9% so với cùng kì năm 2018. TV thông minh của hãng đặc biệt phổ biến tại Ấn Độ, IDC cho biết.

Thành công của Xiaomi tại thị trường nhạy cảm về giá như Ấn Độ đến từ khả năng duy trì chi phí sản xuất ở mức rất thấp và khả năng định giá cạnh tranh. Xiaomi hiếm khi chạy quảng cáo tại Ấn Độ và chủ yếu bán hàng qua kênh trực tuyến của chính mình, loại bỏ vai trò của các đơn vị trung gian.

Người Ấn Độ cũng rất quen mặt với thương hiệu Xiaomi bởi trước đó Xiaomi đã là thương hiệu smartphone hàng đầu tại đây, vượt qua cả những cái tên lớn như Apple hay Samsung.

Xiaomi kì vọng có thể áp dụng các chiến lược tương tự ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh, tức dựa vào thành công ở mảng smartphone để bán các thiết bị khác.

 "Với thành công thương hiệu ở mảng smartphone tại nhiều quốc gia, sản phẩm đeo và nhà thông minh của Xiaomi có thể tận dụng điều này để thuyết phục khách hàng mới thử sản phẩm trong giai đoạn đầu", Kenneth Liew, giám đốc nghiên cứu tại IDC Singapore, chia sẻ.

Lượng người dùng smartphone Xiaomi trở thành tệp người dùng tiềm năng cho các sản phẩm khác. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Xiaomi bán được 124,6 triệu đơn vị điện thoại thông minh.

Hãng cũng thừa nhận rằng điện thoại thông minh là trung tâm của mọi thứ mà Xiaomi thực hiện.

"Công ty Internet"

Tất nhiên Xiaomi cũng chưa quên mục tiêu trở thành công ty Internet.

"Dịch vụ Internet vẫn là mảng chúng tôi muốn dành sự tập trung", người phát ngôn của Xiaomi nói với Forbes. Theo người phát ngôn, Xiaomi vẫn là một công ty Internet với smartphone và các sản phẩm phần cứng thông minh kết nối vào nền tảng IoT cốt lõi.

Biên lợi nhuận ròng của mảng smartphone và các thiết bị khác của Xiaomi lần lượt đạt mốc 7,2% và 11,2% trong năm 2019. Cùng thời điểm, mảng dịch vụ Internet có biên lợi nhuận lên tới 64,7%.

Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng cho Xiaomi, hãng còn kì vọng các thiết bị phần cứng, ví dụ như thiết bị nhà thông minh, có thể đưa người dùng vào hệ sinh thái Internet của nó.

"Các thiết bị thông minh ngoài smartphone là một phần để xây dựng Xiaomi thành công ty Internet", CK Lu, một nhà phân tích cao cấp tại Gartner, chia sẻ. Theo ông, smartphone và các thiết bị thông minh là "cánh cổng" để Xiaomi hiểu về người dùng của mình – ngay cả khi họ ở nhà – và cung cấp dịch vụ phù hợp.

Trong khi Xiaomi cố gắng đưa người dùng vào hệ sinh thái dịch vụ Internet thông qua các thiết bị phần cứng, hãng thực tế cũng phải đối mặt với một số thách thức. "Thị trường nhà thông minh rất phân mảnh",  ông Hao Hong nói. Nhà phân tích này nhận định người dùng hiện hữu thường có nhu cầu mua thêm các thiết bị thông minh cho căn nhà của mình, trong khi đó số  lượng khách hàng mới lại không có nhiều.

Hiện tại, quảng cáo hiển thị trên các thiết bị thông minh là nguồn doanh thu lớn nhất cho mảng kinh doanh Internet của Xiaomi. Vì thế, một trong những cách để Xiaomi trở thành một công ty Internet thực sự là tạo ra các ứng dụng và dịch vụ nằm ngoài hệ sinh thái phần cứng của mình, ông Hong gợi ý.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.