Xử phạt nhà có cỗ để khách mang phần về: 'Phong tục không vi phạm pháp luật'

Đó là ý kiến của chuyên gia văn hóa Trần Lâm Biền chia sẻ trước thông tin dân đi ăn cỗ mang phần về bị xử phạt ở một số xã của huyện Giao Thủy (Nam Định).

Thông tin một số xã ở huyện Giao Thủy (Nam Định) có đề ra quy định xử phạt đối với gia đình nào có cỗ để khách ăn cỗ lấy phần mang về đang gây tranh cãi trong dư luận.

Trước thông tin này, chiều ngày 29/3, chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Trần Lâm Biền (nhà nghiên cứu văn hóa) cho rằng, quy định này là quá phi lý.

Ăn cỗ lấy phần là một phong tục dân gian đã có từ thời xưa, không phải là phong tục xấu cũng chẳng phản cảm.

Theo TS Biền, phong tục này không vi phạm pháp luật nên đem xử phạt là không hợp lý.

Xử phạt nhà có cỗ để khách mang phần về: Phong tục không vi phạm pháp luật - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

TS Biền còn chia sẻ, phong tục ăn cỗ lấy phần ở mỗi vùng khác nhau, mỗi người có thể cảm nhận khác nhau.

Phong tục này có thể không phù hợp với nếp sống hiện đại, nhưng chỉ nên tuyên truyền, khuyên bảo chứ không nên áp đặt xử phạt, đó là tự do của mỗi người, mỗi nhà.

Nhìn nhận về thông tin sự việc,TS. Phạm Việt Long (nguyên Chánh Văn Phòng Bộ Văn Hóa thông tin - nay là Bộ VHTT&DL), Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến chia sẻ: "Lấy phần khi đi ăn cỗ là phong tục dân gian có từ xưa. Nó thể hiện sự quan tâm, nhớ đến người ở nhà, đó là nét đẹp thể hiện tình cảm gia đình của người Việt Nam ngày xưa.

Nhưng ở thời nay thì nhiều người cho rằng, thức ăn không thiếu và lấy phần như vậy là nhếch nhác... nhưng đó là cảm nghĩ của mỗi người ".

TS Long cũng nhấn mạnh, việc ăn cỗ lấy phần không ảnh hưởng gì đến luật pháp, không ảnh hưởng đến xã hội nên việc ra quy định xử phạt là không nên.

Trước đó, báo chí dẫn lời ông Trần Hoài Nam (Chủ tịch UBND xã Giao Long, Giao Thủy, Nam Định) thì việc xử phạt người đi ăn cỗ đem phần cỗ mang về là chủ trương của UBND huyện trong cuộc vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần.

Không riêng gì xã Giao Long mà có khoảng 5-6 xã đã tham gia thực hiện thí điểm được hơn 2 năm nay.

Ông Nam nói: “Ki người ta đi đăng ký (kết hôn), phía xã sẽ tuyên truyền và vận động là không làm cỗ to, không để xảy ra tình trạng lấy phần. Kể cả người dân khi đi ăn cỗ, chúng tôi cũng tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Cán bộ văn hóa xã, công an xã và đại diện các thôn, xóm sẽ tuyên truyền với gia đình chủ cỗ, đồng thời giám sát việc này”.

Theo ông Nam, khi các gia đình đi đăng ký trên xã, mỗi gia đình sẽ phải đặt cọc 3 triệu đồng. Việc này do chính quyền xã tự đặt ra để đe người dân. Nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc.

Ông Nam lấy ví dụ, 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể lên đến 1.000.000 đồng… nói chung, tùy vào mức độ để xử lý chứ không có con số cụ thể.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.