Phạt tiền chủ nhà nếu để 'khách ăn cỗ lấy phần' có vi phạm pháp luật?

Về nguyên tắc, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính phải là những người thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Người không thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thể là đối tượng bị xử phạt.
Phạt tiền chủ nhà nếu để khách ăn cỗ lấy phần có vi phạm pháp luật? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nhà có cỗ sẽ bị xử phạt nếu để khách ăn cỗ lấy phần

Theo thegioitre/VietNamNet đưa tin, một số địa phương tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần. Theo đó, nếu chủ nhà có cỗ không được để khách ăn cỗ lấy phần, nếu không sẽ bị xử phạt tiền.

Theo ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Giao Long, huyện Giao Thủy, đây là chủ trương của UBND huyện Giao Thủy trong cuộc vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ ko lấy phần. Có khoảng 5-6 xã thực hiện thí điểm được hơn 2 năm nay.

Ông Nam cho hay: "Khi người ta đi đăng kí, phía xã sẽ tuyên truyền và vận động là không làm cỗ to, không để xảy ra tình trạng lấy phần. Kể cả người dân khi đi ăn cỗ, chúng tôi cũng tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Cán bộ văn hóa xã, công an xã và đại diện các thôn, xóm sẽ tuyên truyền với gia đình chủ cỗ, đồng thời giám sát việc này".

Các gia đình đăng kí trên xã phải đặt cọc 3 triệu đồng. Nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc. Ông Nam lấy ví dụ, 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể lên đến một triệu đồng… nói chung, tùy vào mức độ để xử lý chứ không có con số cụ thể.

Theo chủ tịch UBND xã Giao Long, việc này do chính quyền tự đặt ra để de người dân. Cách làm này được chính quyền huyện, xã học từ bên huyện Hải Hậu (Nam Định).

Ông Nam cũng xác nhận rằng: "Từ ngày có chủ trương đến nay, người dân thực hiện rất nghiêm túc nên chính quyền xã chưa xử phạt một trường hợp nào. Đặc biệt vào mùa cưới, xã sẽ phát thanh liên tục trên loa 1 tuần 1 lần để người dân nắm rõ".

Trả lời câu hỏi về việc đây là một phong tục văn hóa truyền thống, đưa vào quy chế xử phạt liệu có quá cứng nhắc, ông Nam cho hay: "Chính các cử tri khi đi họp cũng nói rằng, đời sống của người dân khấm khá, những món ăn trong mâm cỗ hầu hết cũng xuất hiện trong các bữa ăn hằng ngày, lấy phần về ăn không hết lại để tủ lạnh hoặc lại bỏ đi gây lãng phí. Vì vậy, họ đề xuất tuyên truyền, vận động, dần dần xóa bỏ thói quen ăn cỗ lấy phần".

Xử phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần có vi phạm pháp luật?

Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau: "Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính".

Mặt khác, theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Như vậy, về nguyên tắc, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính phải là những người thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Người không thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thể là đối tượng bị xử phạt.

Trong trường hợp này, việc xử phạt này không đúng. Vì không có hành vi được quy định bởi pháp luật và không được thực hiện theo trình tự thủ tục vì nó không có hành vi.

Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã cụ thể hóa và tách khái niệm "Văn bản quy phạm pháp luật" và "Quy phạm pháp luật". Điều 30 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được Luật giao.

Theo đó, tất cả các văn bản hệ thống pháp luật không có quy định pháp luật nào cần phải loại bỏ hành vi khách đến ăn cỗ lấy phần.

Ngay cả Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL quy định về thực hiện nếp sống văn minh, thì việc tổ chức tiệc cưới phải tuân thủ:

- Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình.

- Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật.

- Thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết.

- Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí.

- Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc.

- Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam và đặc biệt, không được mở nhạc trước 6h sáng và sau 22h đêm để ảnh hưởng đến những hộ dân sống xung quanh.

Ngoài ra, Thông tư còn khuyến khích các cặp đôi chỉ báo hỷ thay cho thiệp mời, không đãi thuốc lá trong đám cưới, chỉ tổ chức tiệc trà ngọt trong đám cưới...

Như vậy, Thông tư Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL cũng chỉ điều chỉnh bằng khuyến khích các cặp đôi chỉ báo hỷ thay cho thiệp mời, không đãi thuốc lá trong đám cưới, chỉ tổ chức tiệc trà ngọt trong đám cưới...

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.