Mới đây, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cho biết đã lập biên bản xử phạt hành chính đối tượng Đỗ Mạnh H. (SN 1982, quê Hải Phòng) về hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", được quy định điểm a, khoản 1, điều 5, nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo đó, Đỗ Mạnh H. bị lập biên bản xử phạt 200.000 đồng.
Trước sự việc này, nhiều người có thắc mắc 200.000 xử phạt này dùng để làm gì?
Nữ sinh bị cưỡng hôn trong thang máy giữa đêm. (Ảnh cắt từ clip).
Theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 105/2014/TT-BTC (sửa đổi Khoản 5 Điều 4 Thông tư 153/2013/TT-BTC quy định thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành) quy định như sau:
Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Tiền thu phạt vi phạm hành chính điều tiết 100% cho ngân sách địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều tiết khoản thu phạt vi phạm hành chính giữa các cấp ngân sách địa phương. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Và việc lập dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 153/2013/TT-BTC cũng quy định:
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
Hàng năm, căn cứ vào kết quả thu, chi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính của năm trước và đánh giá khả năng thực hiện năm hiện hành, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính lập dự toán chi đảm bảo hoạt động của các lực lượng xử phạt theo các nội dung quy định tại Thông tư này, gửi cơ quan chủ quản tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước để gửi cơ quan tài chính đồng cấp tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Như vậy, về nguyên tắc tiền nộp phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ và đầy đủ vào ngân sách nhà nước, cơ quan có thẩm quyền xử phạt không được phép giữ lại.