Tháng trước, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã cảnh báo về các website, ứng dụng hoàn tiền mua sắm có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép. Không lâu sau đó, Bộ Công an chỉ đích danh, cảnh báo người dân khi thanh toán tích điểm trên ứng dụng MyAladdinz.
Gần đây, một ứng dụng khác nổi lên với mô hình hoạt động tương tự MyAladdinz. Đó là IBG. Cũng hoàn 80% giá trị giao dịch dưới hình thức trả dần theo ngày (0,2%/ngày), IBG trả tiền dưới dạng "điểm" do nhà phát hành ứng dụng công nhận. Thành viên dùng điểm để mua sắm các hàng hóa, dịch vụ khác.
Khẳng định không phải là một sàn thương mại điện tử, nhưng IBG đang muốn xây dựng một hệ sinh thái gồm người mua và người bán trên app IBG. "IBG giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trên nền tảng 4.0 nhưng không cho phép mua bán trực tiếp từ nền tảng", IBG cho biết.
Theo thông tin trên trang chủ tại ibg.zone, IBG (International Business Group) có trụ sở tại bang Texas, Mỹ với giám đốc là ông Alexey Stepanenko. Công ty có 3 đối tác chiến lược tại Việt Nam là IBG Việt Nam, IBG Global Funds, ONEsGROUP.
Ông Nguyễn Thanh Bình là Chủ tịch và nhà sáng lập IBG Việt Nam, còn ông Nguyễn Quang Điệp là đồng sáng lập trong khi ông Lại Trung Hiếu là giám đốc điều hành.
Công ty có 8 văn phòng trên cả nước. Trên kho ứng dụng Google Play, IBG Loyalty Point hiện được tải xuống hơn 5.000 lần.
Công ty cũng cảnh báo nguy cơ khi tham gia ứng dụng: "Rủi ro lớn nhất, ứng dụng IBG không hoạt động, cộng đồng tham gia IBG, bao gồm người dùng, Doanh nghiệp đều bỏ đi. Tuy nhiên, chúng tôi đang xây dựng giá trị thật dựa trên nhu cầu xã hội. Đây là điều khó xảy ra khi dịch vụ tích điểm được xem như một công cụ cần thiết để kích cầu người dùng, doanh nghiệp".
Để thuyết phục người dùng, IBG cho rằng trên thế giới, khoảng 30% dân số sử dụng smartphone đồng thời thị trường tích điểm khách hàng thân thiết có giá trị đến 500 tỉ USD/năm nên dư địa thị trường vẫn rất lớn và IBG đang tấn công vào thị phần với tâm thế không có đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, IBG khẳng định việc hoàn tiền 0,2%/ngày trong vòng 400 ngày (đến khi đạt 80%) không phải là một hình thức kêu gọi vốn đầu tư tài chính, ứng dụng IBG cũng không phải là tiền điện tử, dù thành viên có thể dùng "tiền" trên IBG để thanh toán hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng.
"Khi bạn dùng dịch vụ GrabBike hay GrabCar, sau mỗi chuyến đi, ứng dụng của Grab tặng cho bạn điểm thưởng. Với nhiều điểm thưởng bạn lại đổi được một chuyến đi miễn phí. Hoặc bạn dùng điểm thưởng để đổi lấy sản phẩm của các Doanh nghiệp khác tham gia hệ sinh thái trong app của Grab. Ứng dụng Grab tại Việt Nam cũng đang hoạt động tương tự như thế", công ty tuyên bố.
Mô hình hoàn tiền không hề mới trên thế giới. Thậm chí có hẳn một trang tin tức chuyên về các mô hình hoàn tiền trên thế giới.
Báo cáo về thị trường hoàn tiền thế giới năm 2020 của CashBackIndustry cho thấy, tổng giá trị thị trường ước tính lên đến 108 tỉ USD. Việc hoàn tiền cũng giúp giá trị đơn hàng trung bình tăng 46%.
Với phạm vi toàn cầu, tỉ lệ số người nhận hoàn tiền rơi vào khoảng 20%, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng 10% trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, các chương trình hoàn tiền cũng không phải là mới: Các ứng dụng thương mại điện tử (Momo, VNPay...) hay các nhà phát hành thẻ tín dụng đều từng cung cấp "cashback" (hoàn tiền) cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các dịch vụ hoàn tiền thông thường đều có mức trần nhất định, rơi vào khoảng 1%-3%, hoặc có thể cao hơn nhưng hầu như không quá 10%. Ngoài ra, nếu tỉ lệ hoàn tiền cao thì sẽ có mức giới hạn trần, qua đó đảm bảo khả năng thanh toán của đơn vị cung cấp chương trình hoàn tiền.
Tuy nhiên, với MyAladdinz hay IBG thì khác, tỉ lệ hoàn tiền lên đến 80%, một tỉ lệ rất lớn. Một điểm đáng chú ý khác, chính là tính "hợp pháp". Các đơn vị phát hành thẻ tín dụng hay các ví điện tử đều được cơ quan chức năng cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Điều này đảm bảo số tiền trên hệ thống của các nhà cung ứng có thể coi là "tiền hợp pháp" và có tính thanh khoản.
Trong khi đó, số tiền mà người tiêu dùng trên các ứng dụng hoàn tiền 80% hầu như chỉ có thể sử dụng trên chính ứng dụng đó. Cả IBG lẫn MyAladdinz đều không có tên trong số 37 tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán. Chính vì thế, số "tiền" trên hệ thống của những ứng dụng này được chính công ty chủ quản phát hành và có thể thu hồi lại khi hệ thống "sập".
Đây cũng chính là lí do mà Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng cảnh báo về những ứng dụng hoàn tiền với tỉ lệ quá cao.
Các đặc điểm của một ứng dụng đáng ngờ gồm: Tỉ lệ chiết khấu cao (80%-100% hoặc có thể hơn, số tiền hoàn sẽ chia nhỏ từ 0,05%-0,1% theo ngày); việc tích điểm liên quan đến tiền điện tử hoặc người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo; tùy thuộc vào thời gian và mức độ tham gia để sắp xếp người dùng theo các cấp. Trong 3 đặc điểm trên, hiện IBG gần như đã có 2 "tiêu chí" đầu tiên.