Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 của Bộ Công Thương cho biết năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo.
Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.
Nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng khan hiếm.
Trước tình hình đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính chung 10 tháng năm 2020, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 548,8 triệu m2, tăng 4,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 782,7 triệu m2, giảm 10,6%; quần áo mặc thường ước đạt 3.639,2 triệu cái, giảm hơn 6% so với cùng kì.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24,76 tỉ USD, giảm 9,3% so với 10 tháng đầu năm 2020.
Như vậy, so với mục tiêu năm 2020 đề ra là 42 tỉ USD, xuất khẩu dệt may mới chỉ đạt hơn 59% dù chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm.
Bộ Công Thương cho rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, đồng thời khai thác và mở rộng thị trường nội địa. Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng qui tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA.