Xuất khẩu gạo có cán đích 7 triệu tấn năm 2020?

Với việc giá gạo xuất khẩu tăng, cùng với hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành gạo.

Xuất khẩu gạo được giá

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, tính từ đầu năm đến giữa tháng 8, Việt Nam xuất khẩu được 4,3 triệu tấn gạo, trị giá 2,1 tỉ USD giảm 0,3% về lượng và 12,3% về giá trị so với cùng kì năm 2019. 

Đây được xem là điểm sáng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu hàng loạt mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm sút do ảnh hưởng hưởng bởi dịch Covid-19. 

Trao với báo chí bên lề buổi họp báo xuất khẩu gạo thơm sang EU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ cố gắng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Hàng loạt yếu tố thuận lợi, xuất khẩu gạo có cán đích 7 triệu tấn năm 2020? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh. Ảnh: Đức Quỳnh

Theo Thứ trưởng, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, nhu cầu lương thực trong đó có gạo tăng lên. 

Bên cạnh đó, giá bán cũng tăng. Điều này kéo theo kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 12% so với cùng kì năm 2019. 

Theo Bộ NN&PTNT,  giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn tại Châu Á đang có chiều hướng tăng tích cực. Trong đó, gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng cao do ảnh hưởng của lũ lụt và sự lan rộng của dịch Covid-19 khiến hoạt động logistics bị gián đoạn. 

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn; ngoài ra, dịch Covid-19 tái bùng phát khiến nhiều tác nhân trong chuỗi tăng cường dự trữ. 

Theo Reuters, nguồn cung trong nước thấp đã kéo giá gạo 5% tấm của Việt Nam lên 490 - 495 USD/tấn hôm 10/9, tăng so với mới mức 490 USD/tấn của tuần trước.

Một nhà giao dịch tại Tiền Giang cho hay những nguồn cung trong nước đang ở mức rất thấp, trong khi một nhà xuất khẩu vẫn tiếp tục thực hiện các đồng đã kí trước đó với khách hàng từ Malaysia, Timor-Leste và châu Phi.

Bộ NN&PTNT dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới vào khoảng tháng 10. 

Tại Thái Lan, giá gạo tiếp tục tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường đối với gạo Thái Lan chỉ ở mức thấp do giá gạo nước này không cạnh tranh. Trong tháng, gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 380 - 385 USD/tấn lên 383 - 389 USD/tấn. 

Gạo tiêu chuẩn 5% tấm Thái Lan tăng từ 463 - 485 USD/tấn lên mức 480 - 500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2020. Gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480 – 490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011. 

Cơ hội từ thị trường EU

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8, mở ra cơ hội lớn cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung, trong đó có gạo. Theo đó,  EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng thuế quan ưu đãi.

Ngoài 80.000 tấn gạo trên, EU tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm.

Theo Cục Trồng trọt, gạo của Việt nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch.

Năm 2019 lượng gạo của Việt Nam xuât khẩu vào EU 50 nghìn tấn gạo, 28,5 triệu Euro. Trong khi đó, tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro.

So với các nước ASEAN khác xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia).

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn( 2019); 150 Euro/tấn ( 2020) và 125 Euro/tấn ( 2021).

Trao đổi với người viết, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng đây là cơ hội lớn để gạo Việt mở rộng thị phần tại EU khi thuế suất giảm xuống còn 0%.

Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh về vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện để gạo xuất khẩu vào EU.

"Nói hạn ngạch 80.000 tấn được hưởng ưu đãi thuế là bé cũng đúng mà không bé cũng đúng. Nếu so sánh với tổng khối lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn thì con số 80.000 tấn nhỏ.

Tuy nhiên, 80.000 tấn gạo xuất khẩu sang thị trường châu Âu khác so với các loại gạo Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn sang các thị trường khác bởi tiêu chuẩn ở thị trường này rất khắt khe", ông Bình nói.

Cần giảm chi phí trồng lúa

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện nay ngành lúa gạo Việt Nam đã có bộ giống tốt và kĩ thuật canh tác mềm dẻo hơn, sắp xếp lại cơ cấu thời vụ. 

“Ví dụ năm 2019 - 2020 tình trạng khô hạn nghiêm trọng hơn năm 2015 - 2016 tại sao chúng ta không bị mất mùa? Đó là vì chúng tôi đẩy thời vụ các tỉnh ven biển sớm hơn 20 ngày - 1 tháng. Bên cạnh đó, vừa qua 5 công trình thủy lợi cũng đưa vào. 

Chúng ta có những chủng loại gạo khác nhau để phù hợp phân khúc thị trường khác nhau như gạo chế biến, gạo dài, gạo thơm… Do đó, đây cũng có thể coi là thế mạnh của gạo Việt.”, Thứ trưởng cho biết.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ngành lúa gạo Việt Nam đảm bảo hai vấn đề là đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt và diện tích đất trồng lúa thu hẹp. 

Do đó, vẫn phải có chiến lược đảm bảo năng suất lúa gạo vốn đang rất tốt và nâng cao giá trị để có giá cao hơn. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí sản xuất để người dân có lãi. 

Thứ trưởng cho biết hiện chi phí trồng lúa ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã giảm nhưng nhìn chung vẫn cao do còn hiện tượng xạ giống nhiều, bón nhiều phân.



chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.