John Corcoran lớn lên tại bang New Mexico, Mỹ vào những năm 1940 trong gia đình sáu anh chị em. Ông tốt nghiệp trung học, lên đại học, trở thành giáo viên trong những năm 1960 và cống hiến cho sự nghiệp suốt 17 năm sau đó. Trên BBC ngày 15/4, câu chuyện về cuộc đời ông được kể lại, hé lộ bí mật phi thường.
Khi còn nhỏ, tôi được bố mẹ khích lệ rằng tôi là người chiến thắng, và trong sáu năm đầu đời đã luôn tin như vậy.
Dù biết nói muộn, tôi đến trường với hy vọng học đọc giống các chị của mình. Năm đầu tiên, mọi thứ trôi qua êm đềm vì trường không có quá nhiều yêu cầu đối với học sinh lớp 1 ngoài việc xếp đúng hàng lối, ngồi xuống, giữ yên lặng và đi vệ sinh đúng giờ.
Lên lớp 2, chúng tôi phải học cách đọc. Nhưng đối với tôi, việc này giống như mở một tờ báo tiếng Trung và nhìn vào, tôi không hiểu những dòng đó là gì. Khi là đứa trẻ nhỏ, tôi đã không biết cách giãi bày về vấn đề của mình.
Tôi nhớ mình từng cầu nguyện vào ban đêm, “Cầu Chúa, người hãy cho con biết đọc vào ngày mai, khi con thức dậy”. Đôi khi, tôi thậm chí còn bật đèn lên, giở một cuốn sách và nhìn vào đó để xem mình có phép lạ hay không. Nhưng tôi không có phép lạ đó.
Việc không biết đọc khiến những năm tháng đi học của ông John Corcoran như những trận chiến. Ảnh: BBC |
Cuối cùng, tôi được xếp vào “nhóm câm” gồm những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc học đọc. Tôi không biết tại sao mình lại ở đó, không biết làm thế nào để thoát ra và chắc chắn không biết phải hỏi câu gì.
Giáo viên không gọi đó là “nhóm câm”, không hề có sự ác ý nào, nhưng những đứa trẻ đã tự gọi mình như vậy. Và khi bạn ở trong nhóm đó, bạn bắt đầu nghĩ rằng mình thật ngu ngốc.
Trong những buổi họp phụ huynh, giáo viên đã nói với bố mẹ tôi, “Nó là một cậu bé thông minh, nó sẽ học được”, và họ chuyển tôi lên lớp 3.
Câu nói này cũng đã giúp tôi lên lớp 4, lớp 5. Nhưng tôi vẫn không biết đọc.
Năm lớp 5, về cơ bản tôi đã từ bỏ khái niệm biết đọc. Mỗi ngày, tôi thức dậy, mặc quần áo, đến trường mà như đang ra trận. Tôi ghét lớp học. Đó là môi trường đầy vẻ thù địch và tôi phải tìm cách để sống sót.
Đến năm lớp 7, tôi phải vào ngồi trong phòng hiệu trưởng suốt ngày. Tôi đánh nhau, tôi ngang bướng, tôi là một chú hề, tôi là kẻ phá rối, tôi bị đuổi học.
Nhưng hành vi đó không phải bản chất bên trong. Tôi muốn trở thành một người khác, tôi khao khát thành công, tôi muốn là học sinh giỏi, nhưng không thể.
Gian lận suốt thời đi học
Lên lớp 8, tôi mệt mỏi vì xấu hổ với bản thân và gia đình. Tôi quyết định sẽ cư xử theo cách mình muốn ở trường trung học. Do đó, tôi thành trò cưng của thầy cô, làm mọi thứ cần thiết để vượt qua cấp học này.
Tôi muốn làm một vận động viên. Tôi có những kỹ năng của vận động viên và kỹ năng làm toán. Tôi có thể đếm tiền, đổi tiền từ trước khi đi học và thuộc thời gian biểu.
Tôi cũng có những kỹ năng xã hội. Tôi đi chơi cùng sinh viên đại học, tôi hẹn hò với thủ khoa - học sinh đạt điểm cao nhất, đại diện phát biểu trong ngày tốt nghiệp. Tôi được chọn là “vua” trong lễ chào đón cựu học sinh trở về trường. Tôi có nhiều bạn gái giúp đỡ làm bài tập về nhà.
Tôi có thể viết tên mình và vài từ có thể nhớ, nhưng không thể viết trọn một câu. Khi đó, tôi đang là học sinh trung học và khả năng đọc chỉ ngang lớp 2, lớp 3. Tôi chưa bao giờ nói với ai về việc không biết đọc.
Khi làm một bài kiểm tra, tôi sẽ xem bài của người khác, hoặc chuyển bài của mình để bạn bè làm hộ. Việc này khá dễ dàng, là sự gian lận nghiệp dư. Nhưng khi tôi vào đại học với học bổng toàn phần dành cho vận động viên, đó lại là một câu chuyện khác.
Ở trường đại học, tôi cố gắng tham dự các lớp cùng một người bạn nào đó có thể giúp đỡ mình. Sinh viên thường gian lận bằng cách tìm bản sao của các đề thi cũ, bởi nhiều giáo sư thường dùng một đề thi từ năm này sang năm khác. Nhưng đôi khi tôi cũng phải viện đến các chiêu sáng tạo và tuyệt vọng hơn.
Một lần, giáo sư viết bốn câu hỏi lên bảng để sinh viên làm bài. Tôi ngồi cuối lớp, gần cửa sổ, tỉ mẩn chép lại các câu hỏi ra cuốn sổ xanh. Tôi không biết những câu hỏi đó nói gì.
Tôi đã sắp xếp để một người bạn nấp bên ngoài cửa sổ. Cậu ta có lẽ là người thông minh nhất trong trường, nhưng luôn nhút nhát. Tôi đã giúp cậu làm quen với Mary để cùng đến lễ hội khiêu vũ mùa xuân.
Đẩy cuốn sổ xanh ra ngoài cửa sổ, tôi chờ bạn làm bài giúp. Trong khi đó, tôi lôi một cuốn sổ làm bài thi màu xanh khác từ dưới áo ra, vờ như đang viết lên đó. Tôi đã liều mình vì tuyệt vọng, chỉ cần vượt qua được khóa học.
John từng hoạt động thể thao năng nổ thời đi học, và che giấu bí mật không biết đọc, biết viết. Ảnh: BBC |
Một lần khác, tôi cạy cửa sổ văn phòng giáo sư vào nửa đêm bằng một con dao và rón rén bước vào trong như một tên trộm mèo. Tôi đã vượt qua giới hạn đạo đức, không chỉ là một sinh viên gian lận mà trở thành một tội phạm.
Tôi nhìn quanh để tìm đề thi, nhưng không thấy. Có một chiếc tủ đựng hồ sơ bị khóa, nó hẳn phải nằm trong đó.
Tôi đã làm việc này hai hoặc ba đêm liên tiếp để tìm đề thi nhưng không có kết quả. Vì vậy, khoảng 1h sáng một ngày nọ, tôi rủ thêm ba người bạn cùng đến đó. Chúng tôi lôi chiếc tủ hồ sơ bốn ngăn kéo, đặt lên một chiếc xe và đưa đến một căn phòng trong trường đại học. Tôi gọi một thợ khóa đến.
Mặc vest và thắt nơ, tôi vờ như mình là một doanh nhân trẻ sẽ đến Los Angeles vào ngày hôm sau và tay thợ khóa sẽ giúp tôi giữ được công việc của mình bằng cách mở chiếc tủ. Anh ta đã làm thế, và đưa cho tôi một chìa khóa, khiến tôi nhẹ nhõm với 40 bản sao đề thi trắc nghiệm ở ngăn kéo trên cùng.
Tôi lấy một bản về ký túc xá, nhờ một sinh viên học giỏi làm bài thi, cung cấp mọi câu trả lời chính xác. Sau đó, chúng tôi mang tủ hồ sơ trả lại chỗ cũ. Năm giờ sáng, tôi rảo bộ về phòng mình, nghĩ bụng, “Nhiệm vụ bất khả thi đã hoàn thành!”, và cảm thấy mình quá thông minh.
Nhưng rồi tôi bước lên cầu thang, đặt mình xuống giường và bắt đầu khóc như một đứa trẻ. Tại sao tôi không yêu cầu sự giúp đỡ? Bởi vì tôi không tin bất kỳ ai ngoài kia có thể dạy tôi đọc. Đây là một bí mật và tôi quyết tâm bảo vệ nó.
Giáo viên và bố mẹ đã nói rằng những ai có bằng đại học thì sẽ có công việc tốt hơn, cuộc sống tốt hơn, và tôi cũng tin như vậy. Động lực của tôi chỉ là lấy được tấm bằng đó. Có thể bằng cách cầu nguyện, có thể bằng một phép màu khiến tôi biết đọc vào một ngày nào đó.
Thầy giáo không bao giờ viết
Tốt nghiệp đại học, tôi được đề nghị làm giáo viên, bổ sung vào một vị trí đang khuyết. Đó là điều phi logic nhất mà bạn có thể tưởng tượng.
Khi nhìn lại, tôi thấy thật điên rồ vì đã chọn công việc này. Nhưng tôi đã vượt qua thời trung học, đại học mà không bị phát hiện, có lẽ trở thành giáo viên là cơ hội tốt để tiếp tục giấu giếm. Không ai ngờ rằng một giáo viên lại không biết đọc.
Tôi đã dạy rất nhiều thứ. Tôi là huấn luyện viên thể thao. Tôi dạy các môn xã hội. Tôi dạy đánh máy - tôi có thể đánh máy kiểu copy 65 từ một phút nhưng không biết mình đang gõ cái gì. Tôi không bao giờ viết lên bảng đen hay in bài gì ra cho lớp. Chúng tôi cùng nhau xem rất nhiều bộ phim và liên tục thảo luận.
Nỗi sợ hãi luôn ám ảnh tôi. Tôi không thể điểm danh mà phải bảo học sinh tự đọc tên mình lên. Tôi luôn nhờ hai hoặc ba em trong lớp giúp đỡ, chúng là người đọc và viết tốt nhất trong lớp. Chúng trợ giảng cho tôi và không mảy may nghi ngờ.
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của tôi là các buổi họp khoa. Chúng tôi phải họp mỗi tuần một lần. Thi thoảng, hiệu trưởng sẽ gọi giáo viên nào đó trình bày ý tưởng lên bảng. Tôi sống trong nỗi sợ ông có thể gọi tôi, do đó thu xếp cho mình một kế hoạch dự phòng. Nếu bị gọi, tôi sẽ ra khỏi ghế, bước hai bước, ôm lấy ngực, ngã xuống sàn và hy vọng họ gọi 911. Nhưng việc đó chưa bao giờ xảy ra.
Đôi khi tôi cảm thấy mình là giáo viên giỏi, vì tôi rất chăm chỉ và thật sự chú tâm đến việc mình làm. Nhưng điều này thật sai trái. Tôi không thuộc về lớp học, tôi đã xâm phạm nơi này. Nhẽ ra tôi không nên ở đây. Đôi khi, việc đang làm khiến tôi mệt mỏi về thể xác, nhưng tôi bị mắc kẹt và không thể nói với ai.
Hé lộ bí mật động trời
Tôi kết hôn khi đang là giáo viên. Kết hôn là một điều thiêng liêng, bạn phải cam kết trung thực với bạn đời. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ, “Được rồi, mình sẽ tin tưởng người này, mình sẽ nói với cô ấy”.
Tôi luyện tập trước gương, “Cathy, anh không thể đọc được. Cathy, anh không thể đọc được”.
Một buổi tối, chúng tôi ngồi trên ghế dài và tôi đã nói ra. Nhưng cô ấy không thực sự hiểu tôi đang nói gì. Cô ấy chỉ nghĩ tôi không đọc nhiều lắm. Bạn biết đấy, tình yêu mù quáng mà.
Chúng tôi lấy nhau, có một đứa con. Tôi thường đọc sách cho con gái ba tuổi, nhưng không thực sự đọc. Tôi thêm thắt các tình tiết thú vị khi kể câu chuyện mà mình biết, chẳng hạn “Goldilocks và gia đình nhà gấu”.
Nhưng đến khi gặp một cuốn sách mới, Rumpelstiltskin, con gái tôi bảo: “Bố chẳng đọc giống mẹ gì cả”.
John và con gái Kayla Mertes, người vô tình khiến bí mật của ông bị tiết lộ. Ảnh: BBC |
Vợ nghe tôi cố gắng đọc từ một cuốn sách thiếu nhi. Đó là lần đầu tiên cô ấy nhận ra. Tôi đã luôn nhờ vợ viết giúp những thứ liên quan đến trường học, và cuối cùng cô ấy đã hiểu sự việc nghiêm trọng đến mức nào.
Nhưng không có màn đối chất nào xảy ra, cô ấy chỉ một lòng giúp đỡ tôi.
Điều này không khiến tôi nhẹ lòng, trong thâm tâm tôi thấy mình thật ngu ngốc và giả dối.
Tôi luôn sợ học sinh trở thành người tìm kiếm sự thật và chính tôi là kẻ nói dối trắng trợn nhất. Sự giải thoát chỉ đến khi tôi cuối cùng cũng biết đọc.
Đối mặt với nỗi sợ hãi
Tôi dạy ở trường trung học từ năm 1961 đến năm 1978. Tám năm sau khi rời bục giảng, mọi thứ mới bắt đầu thay đổi.
Năm đó khi 47 tuổi, sắp bước sang tuổi 48, tôi nhìn thấy Barbara Bush, đệ nhất phu nhân nước Mỹ, nói về chương trình xóa nạn mù chữ trên TV.
Tôi chưa từng nghe ai nói về điều này trước đó, tôi đã nghĩ mình là người duy nhất trên thế giới ở trong hoàn cảnh này.
Một ngày, khi đang xếp hàng trong tiệm tạp hóa, tôi nghe hai người phụ nữ đứng trước trò chuyện về một người đàn ông lớn tuổi đã đến thư viện thời gian gần đây. Đó là anh trai họ, người đang học đọc và vô cùng hạnh phúc. Tôi không thể tin vào tai mình.
Do vậy, một buổi chiều thứ sáu, tôi mặc bộ complet sọc nhỏ, bước vào thư viện và yêu cầu gặp giám đốc chương trình xóa mù chữ. Tôi ngồi xuống và trình bày việc mình không biết đọc.
Một phụ nữ 65 tuổi làm gia sư tình nguyện cho tôi.
Bà không phải giáo viên, chỉ đơn giản rất thích đọc sách và không nghĩ một người có thể sống trên đời mà không biết đọc.
Trong giai đoạn đầu, bà bảo tôi cố gắng viết ra những suy nghĩ trong đầu.
Thứ đầu tiên tôi viết là một bài thơ về cảm xúc của mình. Một điều đặc biệt về thơ là bạn không cần phải viết một câu hoàn chỉnh.
Bà cho tôi đọc ở trình độ lớp 6. Tôi đã khóc rất nhiều trong quá trình này, rất đau đớn và thất vọng, nhưng việc đó đã lấp đầy lỗ hổng lớn trong tâm hồn tôi.
Những người lớn không biết đọc bị mắc kẹt trong thời thơ ấu, về cảm xúc, tâm lý, học vấn, tinh thần. Chúng tôi chưa thật sự trưởng thành.
Tôi mất khoảng bảy năm để cảm thấy mình là một người biết chữ. Khi người hướng dẫn khuyến khích kể lại câu chuyện học đọc để truyền cảm hứng cho người khác và thúc đẩy xóa mù chữ, tôi từ chối với lý do không muốn gia đình, vợ con xấu hổ.
Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã đi đến quyết định nói với bất kỳ ai muốn lắng nghe. Bí mật được bảo vệ trong nhiều thập kỷ được tôi nói ra với cả thế giới.
Đó là một quyết định không dễ dàng, nhưng tôi muốn mọi người biết rằng ở đâu có hy vọng, ở đó sẽ có cách giải quyết. Chúng ta không phải là người ngu xuẩn vì không biết đọc. Chúng ta có thể học đọc, chưa bao giờ là quá muộn. Trong 48 năm, tôi đã ở trong bóng tối. Nhưng tôi đã bước ra khỏi nó và chôn được bóng ma quá khứ của mình.
Hàng loạt lãnh đạo ngành y tế cắp sách đi học
100 cán bộ giám đốc, phó giám đốc và các vị trí quy hoạch lãnh đạo của các Sở Y tế, bệnh viện đi học ... |