Trong các loại hình nhà ở, biệt thự sở hữu không gian ngoại thất rộng rãi và hoàn thiện với hệ thống sân vườn (cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa,…), tường rào và lối ra vào riêng biệt. Vậy nên khi thiết kế và xây dựng biệt thự, phối màu ngoại thất chính là bước không thể thiếu giúp làm tăng giá trị và vẻ đẹp cho toàn bộ công trình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phối màu ngoại thất biệt thự đẹp và thẩm mỹ. Hãy cùng tham khảo một số cách phối màu ngoại thất biệt thự dưới đây để áp dụng cho công trình của mình.
Phần mái, tường và đường viền cửa là ba điểm “chạm” thị giác được chú ý đầu tiên khi nhìn vào một căn biệt thự. Để ngoại thất công trình đẹp và hài hòa, bạn nên tìm hiểu kỹ và phối màu phù hợp cho những phần trên bằng cách tham khảo những thông tin dưới đây.
Nếu bạn đang chọn màu cho phần mái nhà của căn biệt thự, hãy lấy một mẫu thử ngói hoặc mẫu sơn và giữ chúng ở một góc 45 độ so với mặt trời. Cách này sẽ cho bạn biết được màu sắc thực sự của sản phẩm khi được lợp trên mái/sơn lên ngói. Một điểm cần chú ý là màu sắc ngói/sơn sẽ luôn trông nhạt hơn nhiều, đôi khi là một nửa tông màu khi được lợp/sơn lên mái. Thông thường, phần mái sẽ được phối màu đậm và trông nổi bật hơn so với các phần còn lại của ngoại thất như tường, viền cửa, cửa, đường ống nước, máng thoát nước,... Vậy nên nếu bạn đang chọn màu mái biệt thự quá nhẹ thì hãy thử các màu tương tự có sắc độ đậm hơn để không làm mất cân đối phần ngoại thất của ngôi nhà.
Cùng với mái nhà, tường biệt thự cũng được chú trọng không kém bởi đây là phần tốn kém và mất thời gian nhất khi làm phần ngoại thất biệt thự. Lựa chọn sơn tường không chỉ tập trung vào tuổi thọ, xu hướng khúc xạ ánh sáng ngoài trời hay giảm nhiệt, giảm thấm cho biệt thự mà bạn còn phải phối màu làm sao để công trinh trở nên hiện đại hóa và tạo ra một vẻ ngoài tràn đầy thu hút cho biệt thự của bạn. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường lại có khá nhiều màu sơn tường để bạn lựa chọn, dưới đây là một số gợi ý về các phối màu tường biệt thự mà bạn có thể thử áp dụng cho công trình của mình:
- Tông màu tự nhiên: Những màu sắc của thiên nhiên phù hợp với ngoại thất biệt thự như màu nâu của thân cây, màu đất nung ấm áp hay màu xanh lá mạ - những màu sắc hài hòa với môi trường xung quanh và giúp giảm thiểu những đường nét thô cứng của kiến trúc.
- Màu hồng kết hợp màu trắng: Màu hồng tươi, vui nhộn, ngọt ngào mang sắc vóc của thế hệ mới và màu trắng sẽ khiến bức tường căn biệt thự của bạn trở nên hiện đại và lãng mạn hơn. Đây là cách phối màu biệt thự được nhiều gia đình trẻ lựa chọn hiện nay. Nếu bạn yêu thích vẻ đẹp tinh khôi của màu hồng nhưng chưa sẵn sàng để sơn cho tất cả các bức tường biệt thự, hãy thử nghiệm trên một bức tường trong khu vườn của căn nhà, kết hợp những chậu cây xanh và bộ bàn ghế cổ điển để tăng phần lãng mạn và tươi sáng.
- Màu tối: Các màu sơn tối như màu đen, xanh mực, màu than,... cũng đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người yêu thích trong những năm gần đây vì cực kỳ thẩm mỹ, lâu phai màu và nổi bật được nét đẹp sân, vườn của căn biệt thự. Nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ nên những màu sơn tối đã được pha chế thêm công nghệ sắc tố nhằm tăng sự phản chiếu ánh sáng mặt trời thay vì hấp thụ. Do đó, bạn không cần phải quá lo ngại mà loại bỏ đi những màu sơn tối cho tường căn biệt thự của mình.
Đường viền cửa biệt thự tuy là phần chiếm diện tích khá nhỏ nhưng cũng là chi tiết quan trọng không kém so với hai cái trên. Cách phối màu cho đường viền cửa sổ được áp dụng nhiều nhất chính là tương phản với màu tường để làm nổi bật các chi tiết, giúp biệt thự trở nên hiện đại, sắc nét. Nếu tường là màu tối, đường viền cửa sẽ là các màu sáng mà thường thấy nhất là màu trắng. Ngược lại, nếu màu sơn tường sáng, màu viền cửa sẽ là màu tối hoặc dùng luôn màu trắng nhưng màu đục hơn.
Ngoài ba phần chính ở trên, những phần còn lại như nền sân, bậc thang, cột nhà,... chính là những điểm tiếp theo bạn cần chú ý khi phối màu ngoại thất biệt thự.
Phần nền sân vườn, sân trước, cầu thang và cột nhà của ngoại thất thường được phối màu khá linh hoạt để phù hợp với ngoại cảnh cũng như cây cối xung quanh. Những phần này có thể làm từ xi măng, ốp gỗ đến lát gạch, đá granite,... nên bạn có thể lựa chọn tông màu tương đồng hoặc tương phản với màu của phần tường hoặc mái.
Đối với phần đường ống dẫn nước, quy tắc chung của nhiều nhà thiết kế là các đường ống dẫn xuống phải được sơn cùng màu với tường hoặc phần mà chúng được gắn vào, như mái hoặc nền sân vườn.
Để làm cho mọi thứ trở nên đẹp hơn, bạn có thể sử dụng màu sắc tương phản bằng cách sơn thêm phần cửa, hàng rào, hộp đựng thư hoặc chậu cây trước hiên nhà để mọi chi tiết trở nên hoàn hảo và thẩm mỹ hơn.
Phối màu ngoại thất biệt thự theo vị trí cảnh quan xung quanh là quy luật bất thành văn được nhiều kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm áp dụng khi chọn màu cho công trình.
Nếu căn biệt thự được xây dựng ở khu vực thành phố náo nhiệt thì các gam màu tươi sáng hiện đại như vàng, trắng sứ, xám lạnh, than bụi, kem,... sẽ rất phù hợp. Các phối màu này sẽ giúp ngoại cảnh công trình trở nên thoáng rộng, tươi mới và sáng sủa hơn.
Song, nếu vị trí xây biệt thự ở ngoại thành, nơi có không gian rộng và nhiều cây xanh hơn thì bạn có thể lựa chọn những màu tối như như nâu đất, đen, xanh khói, muối biển,… để mang đến vẻ đẹp gần gũi và hài hòa với thiên nhiên.
Ngoài ra, việc xác định hướng căn nhà cũng rất cần thiết khi bạn phối màu ngoại thất cho biệt thự. Tùy vào hướng mặt tiền của công trình để bạn xác định phối màu cho ngoại thất làm sao để không khiến ngôi nhà trở nên kém hài hoà hay mất cân bằng.
Nếu biệt thự của bạn có mặt tiền hướng Đông hoặc Tây thì nên phối màu ngoại thất là các tông màu lạnh, dịu nhẹ như xanh lá cây nhạt, xanh da trời, vàng nhạt,… để mang đến sự tươi mới và vượng khí cho gia chủ, đồng thời cũng hạn chế sự hấp thụ nhiệt do ánh mặt trời chiếu trực tiếp vào nhà.
Nếu mặt tiền biệt thự hướng Nam hoặc Bắc, những hướng có gió lùa, gió mùa, ẩm thấp và lạnh thì bạn nên chọn tông màu nóng như cam, đỏ, vàng,… để mang đến sự ấm áp, tươi sáng, tràn đầy năng lượng cho căn nhà.